Thời gian qua, Việt Nam liên tục tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương và khu vực. Đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện 9 FTA. Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết sẽ giúp nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu xuống mức 0, ở mức thấp và rất thấp.
Đây là cơ hội để Việt Nam đa dạng hoá thị trường, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn các sản phẩm có chất lượng cao và giá cả hợp lý. Một số sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt, lương thực và thuỷ sản có lợi thế cạnh tranh cao sẽ có cơ hội để mở rộng xuất khẩu tới các nước FTA. Tuy nhiên, với một số ngành như sản xuất mía đường, đậu tương, ngô và ngành chăn nuôi bò thịt, bò sữa, lợn, gà có tính cạnh tranh thấp dễ bị sản phẩm của các nước có chất lượng cao, giá rẻ lấn át và chiếm lĩnh thị phần.
Do đó, để chủ động trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung cần phải đánh giá lại những điểm mạnh, điểm yếu trong sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp và xác định được cơ hội và thách thức khi hội nhập để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hội nhập vững chắc với nền kinh tế quốc tế.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá, ngành nông nghiệp Hà Nội còn nhiều điểm yếu. Trong đó, người nông dân vẫn sản xuất manh mún, vai trò HTX còn mờ nhạt trong việc liên kết tổ nhóm sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, kiểm soát chất lượng và tạo sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, chưa thể hiện vai trò là cầu nối giữa người dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, doanh nghiệp, thương lái chủ yếu quan hệ với người sản xuất theo kiểu thuận mua vừa bán, chưa liên kết chuỗi để chia sẻ thuận lợi và khó khăn với người sản xuất, mối quan hệ cung – cầu bất ổn định.
Ngoài ra, các đại biểu còn đánh giá, các kênh bán lẻ chưa quan tâm đến nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thương mại điện tử còn chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, chính sách chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nhóm chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã giới thiệu những kinh nghiệm của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới; thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành và hội nhập quốc tế của nông nghiệp của thành phố Hà Nội, cụ thể: sau khi xác định tiềm năng thế mạnh, ngành nông nghiệp thành phố cần phân chia ra các nhóm cây trồng có lợi thế cạnh tranh nội địa, vùng như lúa, rau, củ, quả, chè. Trong đó tập trung vào cơ cấu giống chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo ATTP. Đặc biệt, tăng cường về nhận biết về thị trường, thương hiệu, nhãn hiệu sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, đồng thời liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi.