Tuy nhiên, kết quả còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy mạnh hợp tác, phát triển là đòi hỏi tất yếu, nhằm tận dụng, khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi địa phương, đặc biệt trước đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm: Hai địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch, sản xuất kinh doanh, mua bán, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa mà hai bên có thế mạnh và phát huy tốt lợi thế của từng địa phương; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án liên quan đến hai tỉnh, thành phố. Hai địa phương khuyến khích xây dựng cơ chế, thu hút nhà đầu tư; phối hợp chặt chẽ thực hiện hai dự án giao thông quan trọng là nâng cấp quốc lộ 6 (đoạn Mai Lĩnh - Xuân Mai) và tuyến kết nối từ Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình để mở ra những hướng phát triển quan trọng cho hai địa phương và cho cả khu vực các tỉnh Tây Bắc.
Thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tỉnh Hòa Bình trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo chuyên sâu, chuyển giao một số công nghệ kỹ thuật điều trị trình độ cao trong lĩnh vực y tế; tập huấn, đào tạo vận động viên thành tích cao trong lĩnh vực thể thao. Là địa phương liền kề với Thủ đô, có quỹ đất rộng, tỉnh Hòa Bình chủ động đề xuất với các bộ, ngành liên quan nhằm thu hút, tiếp nhận các trường học, bệnh viện, nhà máy trong quá trình thực hiện chủ trương di dời ra khỏi khu vực nội đô thành phố Hà Nội. Tăng cường tổ chức giao lưu văn hóa, trao đổi các đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhân dân hai địa phương.
Về lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm, hợp tác hỗ trợ về công nghệ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; phát triển vùng trồng rau an toàn, đàn gia súc, gia cầm. Phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; tích cực triển khai các nhiệm vụ cụ thể thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2020; bảo vệ nguồn nước đầu nguồn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để Tổng Công ty Vinaconex thực hiện đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy nước sạch sông Đà để sớm đưa vào sử dụng, bổ sung nguồn nước sạch cho thành phố Hà Nội.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống tội phạm, buôn bán ma túy, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế tai nạn giao thông nhất là khu vực giáp ranh.
Thống nhất giao UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, xây dựng các chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các nội dung hợp tác nêu trên. Tiếp tục phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, dân cư xen canh, xen cư giữa hai địa phương. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hai tỉnh, thành phố làm đầu mối phối hợp tham gia triển khai các nội dung liên quan đến liên kết, hợp tác giữa hai tỉnh, thành phố. Lãnh đạo hai địa phương khuyến khích và tạo điều kiện để các ban Đảng, các sở, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã tăng cường gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác…