Tìm đầu ra cho nông sản
Theo thống kê của Trung tâm XTTM nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội), mỗi năm, TP cần tiêu dùng khoảng 780.000 tấn gạo, hơn 560.000 tấn thịt, 950.000 tấn rau, hơn 200.000 tấn hải sản... Tuy nhiên, thực tế sản xuất nông nghiệp của TP mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thịt gia súc các loại, 36,3% cá, 23,9% lượng sữa, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi, số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác. Dự kiến, đến năm 2015, dân số của TP còn tiếp tục gia tăng nên việc cung ứng nguồn thực phẩm tại chỗ sẽ vẫn gặp khó khăn. Do đó, việc hợp tác với tỉnh, thành để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho Hà Nội có vai trò rất quan trọng.
Sản phẩm trứng sạch được giới thiệu tại Hội chợ Chăn nuôi - Thú y Hà Nội năm 2013. Ảnh: Quang Thiện
|
Vùng Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng là khu vực phát triển kinh tế năng động và có nhiều nông sản đặc sản. Tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các địa phương trong vùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là biến động của thị trường. Vì vậy, việc phát triển thị trường tiêu thụ trong toàn khu vực là hết sức cần thiết.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn có nhiều loại nông sản đặc sản như na Chi Lăng, ngồng cải, cải xanh, cải trắng xã Mai Pha (TP Lạng Sơn). Ngoài rau củ, Lạng Sơn còn có những đặc sản nổi tiếng và riêng biệt như chanh rừng Mẫu Sơn, hoa hồi, nấm hương, đào Mẫu Sơn... Tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn chưa phát huy được thế mạnh, cần phải đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ, trong đó có thị trường Thủ đô. Hiện, tỉnh Lạng Sơn cũng đang phối hợp với Hà Nội trong việc kiểm vận chuyển gia súc, gia cầm về TP.
Hợp tác toàn diện
Mới đây, trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại vùng Đông Bắc 2014, Sở NN&PTNT Hà Nội với Sở NN&PTNT một số tỉnh, thành, như Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng đã ký kết biên bản hợp tác về XTTM nông nghiệp. Theo đó, các nội dung hợp tác chủ yếu là liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản giữa các tỉnh, thành nhằm phát huy lợi thế của các địa phương. Đồng thời, hỗ trợ thủ tục hành chính, cơ sở vật chất để triển khai các hoạt động XTTM, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người nông dân ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, vật tư đầu vào của các tỉnh, thành tham gia ký kết biên bản hợp tác.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng là các tỉnh, thành sẽ phối hợp trao đổi, chia sẻ trách nhiệm trong việc dự tính, dự báo thông tin, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chủ lực của các địa phương. Trên cơ sở đó xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và kết nối các tác nhân để tăng tính bền vững trong chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời tăng cường phối hợp tuyên truyền, quảng bá các dòng sản phẩm nông nghiệp từ Hà Nội đến các tỉnh, TP và ngược lại. Định kỳ hàng năm tổ chức các hoạt động giao thương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực hiện kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhận định, Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, TP đã ban hành một số chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này như Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND của HĐND TP về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020, trong đó có hỗ trợ về công tác XTTM. Hay Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016... Ông Chu Phú Mỹ khẳng định, Hà Nội luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành và luôn sẵn sàng \"trải thảm đỏ\" đối với mọi sự hợp tác đầu tư, đặc biệt trong sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển và quản lý thị trường tiêu thụ nông sản.