Cơ hội phát triển bền vững (01/10/2014)
Chuyến công tác tại Lạng Sơn của đoàn cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội từ ngày 24 đến 26-9 vừa qua không diễn ra ở phạm vi hẹp. Biên bản hợp tác xúc tiến thương mại - nông nghiệp được lãnh đạo ngành nông nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng ký kết nhằm đẩy mạnh: Hợp tác phát triển nông nghiệp vùng.
 
\"Khách
Khách tham quan khu trưng bày của ngành nông nghiệp Hà Nội tại Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại vùng Đông Bắc năm 2014.

Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp

Là chủ đề của hội chợ Nông nghiệp và Thương mại vùng Đông Bắc năm 2014 - hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại lớn trong năm của Bộ NN&PTNT, diễn ra tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn tối 25-9. Thu hút hơn 200 doanh nghiệp của Lạng Sơn và 12 tỉnh vùng Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng cùng 29 doanh nghiệp Trung Quốc tham gia, hội chợ chủ yếu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, các loại giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật tư, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực của người nông dân các tỉnh. \"Không chỉ là một hội chợ thông thường - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh - Đây là cơ hội tốt để bà con nông dân, doanh nghiệp các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc có dịp trao đổi, học tập về kinh nghiệm sản xuất cũng như tìm hiểu thêm về cơ hội giao thương\". 

Trong khuôn khổ hội chợ, một số chương trình như Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề \"Giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn tại các tỉnh miền núi phía Bắc\", Nhịp cầu nhà nông với chủ đề \"Phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp vùng Đông Bắc\" do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ NN&PTNT phối hợp với Sở NN&PTNT Lạng Sơn tổ chức cùng các hoạt động giao lưu, xúc tiến đầu tư tại gian hàng hội chợ… đã giúp bà con nông dân hiểu rõ thêm những vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp như một số giống cây, con mới; cách sử dụng và bảo quản vắc xin, nguyên tắc, quy trình vệ sinh, sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; cách nhận biết một số sâu hại trên cây có múi và biện pháp phòng trừ; các quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn... Các nội dung này, theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn, là hết sức thiết thực để giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian, áp dụng được tiến bộ KHKT vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản của các địa phương trong vùng vốn đang nặng về \"tự sản tự tiêu\" một cách thiết thực và có hiệu quả nhất. 

Hà Nội tham gia Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại vùng Đông Bắc năm 2014 với khu trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, trong đó đặc biệt giới thiệu các sản phẩm an toàn, chất lượng, đặc sản, ứng dụng công nghệ cao cùng các thành tựu của chương trình xây dựng nông thôn mới, các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố… được đông đảo doanh nghiệp các tỉnh, thành phố bạn và bà con nông dân, khách tham quan hội chợ quan tâm.

Hợp tác, cùng nhau phát triển bền vững

Vùng Đông Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng nước ta là khu vực phát triển kinh tế năng động với mức tăng trưởng khá cao, song việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các địa phương trong vùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là những biến động của thị trường và bất lợi của mặt trái trong tự do giao thương. Vì vậy, mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng là hết sức cần thiết và đây cũng là mục đích của việc ký kết hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Sở NN&PTNT Hà Nội với Sở NN&PTNT một số tỉnh, TP trong vùng (gồm Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng) diễn ra chiều 25-9 tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Các nội dung chính được thống nhất thông qua cùng những phương thức hợp tác cụ thể để thực hiện là: Liên kết tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm phát huy lợi thế của các địa phương; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, thủ tục hành chính, pháp lý, cơ sở vật chất để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người nông dân ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, vật tư đầu vào của các địa phương trong vùng; phối hợp liên kết, trao đổi, chia sẻ trách nhiệm trong việc dự tính, dự báo, liên kết thông tin, áp dụng tiến bộ KHKT để tạo ra sản phẩm chủ lực, khác biệt của các địa phương; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, kết nối các tác nhân để tăng tính bền vững trong chuỗi giá trị sản phẩm; tăng cường phối hợp tuyên truyền, quảng bá các dòng sản phẩm nông nghiệp từ TP Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong vùng và ngược lại...

Tại lễ ký kết, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội sau khi giới thiệu tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cùng một số chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của thành phố, đã khẳng định: Hà Nội luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác với các tỉnh, TP trong vùng và luôn luôn sẵn sàng \"trải thảm đỏ\" đối với mọi sự hợp tác đầu tư, đặc biệt trong sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển và quản lý thị trường tiêu thụ. Đại diện Sở NN&PTNT một số tỉnh vùng Đông Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng đã đánh giá cao những kết quả về hợp tác đầu tư nông nghiệp giữa Hà Nội với một số địa phương trong cả nước thời gian qua và bày tỏ mong muốn Hà Nội tiếp tục đi đầu trong hoạt động này, hỗ trợ các địa phương trong vùng phát huy được tiềm năng, lợi thế để nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp, cùng nhau phát triển bền vững. 
Bài, ảnh: Đỗ Tâm
Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1324
Tổng lượng truy cập: 25344896