Nhấn mạnh nhu cầu giao lưu, hợp tác phát triển là xu thế mà Hà Nội và các tỉnh, thành phố đều hướng tới nhằm tranh thủ, phát huy tối đa các nguồn lực của mình cũng như các nguồn lực từ bên ngoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc cần làm là sớm cụ thể hóa bằng những hoạt động của ngành chức năng các địa phương. Phía Hà Nội sẽ chủ động hỗ trợ hai địa quảng bá sản phẩm thông qua việc tổ chức các hội chợ trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu các sản phẩm chủ lực của Trà Vinh, Sóc Trăng như trái cây, gia súc, thủy sản đến với thị trường Thủ đô, miền Bắc và xuất khẩu. Ngoài ra, Hà Nội hiện có vùng nông thôn rộng lớn, hơn 60% người dân sinh sống và đang trong quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp, bước đầu đã thành công trong xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp... Những kinh nghiệm đúc rút trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới..., Hà Nội sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các địa phương.
Ngoài liên kết, hợp tác về lĩnh vực kinh tế, đồng chí Phạm Quang Nghị mong muốn Hà Nội và các địa phương tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, chăm lo đời sống nhân dân để từng địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đồng chí Phạm Quang Nghị cũng chúc mừng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc phát huy lợi thế về lương thực, cây ăn trái, thủy sản của tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai địa phương trong việc bảo đảm tình hình an ninh trật tự, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chia sẻ khó khăn về vị trí địa lý không thuận lợi cho hoạt động giao thương, giao thông chưa đồng bộ, chưa thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, những việc gì làm được cho các tỉnh, Hà Nội sẽ cố gắng làm. Đồng chí mong muốn, Trà Vinh và Sóc Trăng tiếp tục phát huy nội lực đẩy mạnh phát triển kinh tế -xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Trong buổi thăm, làm việc tại hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, lãnh đạo TP Hà Nội và hai địa phương đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế, khó khăn, vướng mắc, đồng thời trao đổi những lĩnh vực mà các địa phương có thể hợp tác, liên kết, trao đổi kinh nghiệm.
Trà Vinh và Sóc Trăng là hai tỉnh thuộc vùng căn cứ kháng chiến, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm hơn 30% dân số). Giống các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long, Trà Vinh và Sóc Trăng có thế mạnh về lương thực, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản với con nuôi chủ lực là tôm sú, cua, cá chủ yếu phục vụ xuất khẩu mang lại giá trị thu nhập 200 triệu đồng/ha. Đặc biệt, hai tỉnh này đã khai thác triệt để thế mạnh kinh tế biển, tổ chức tốt hoạt động khai thác đánh bắt thủy hải sản. Trên địa bàn hai tỉnh cũng hình thành nhiều khu công nghiệp thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, chế biến các mặt hàng thủy, hải sản, lương thực, thực phẩm, sản phẩm từ dừa… tạo việc làm và thu nhập cho đông đảo người lao động. Đời sống nhân dân nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm, chăm lo.
UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng vui mừng thông báo với đoàn, Chính phủ đã chính thức phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Định An, với tổng diện tích 39.020 ha, giai đoạn 1 thực hiện đến năm 2020 với quy mô hơn 15.000 ha, hiện đã có 16 dự án đăng ký đầu tư. Cùng với 4 công trình trọng điểm của TƯ đang được triển khai xây dựng là cầu Cổ Chiên, trung tâm Điện lực Duyên Hải (công suất 4.200MW), luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, nâng cấp quốc lộ 53, 60… sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Trà Vinh với các tỉnh, thành, thuận lợi cho chuyên chở hàng hóa, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này. Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cũng cho biết, công trình Trường Tiểu học Tam Ngãi C, huyện Cầu Kè - quê hương của Anh hùng Nguyễn Thị Út do TP Hà Nội hỗ trợ 10 tỷ đồng đã triển khai thi công đạt 30% tiến độ. Với những lợi thế đặc biệt của Thủ đô, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh mong muốn Hà Nội hỗ trợ kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông, thủy sản, gia súc, gia cầm, nhất là xây dựng một nhà máy vệ tinh nhằm khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có là cây cói và cây lục bình. “Chúng tôi đang rất cần vốn đầu tư vào các khu công nghiệp để tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng về nguyên liệu sẵn có, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động. Chúng tôi mong muốn Hà Nội giới thiệu các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp” - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng cho biết.
Phó Chủ tịch UBND Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Thành Nghiệp cho rằng, trong khi sản xuất nông nghiệp của TP Hà Nội chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường Thủ đô được 38% gạo, 18% trái cây tươi, thì Sóc Trăng có thể đáp ứng phần thiếu hụt. Vì bình quân mỗi năm, tỉnh có thể cung cấp khoảng 40.000 tấn trái cây tươi, 200.000 tấn gạo đặc sản, trong đó có giống ST20 rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Ngoài ra, tỉnh có thể giới thiệu, cung cấp một số đặc sản nổi tiếng của địa phương như: Bánh pía (300 tấn/năm), củ hành tím (100.000 tấn/năm). Do đó, tỉnh Sóc Trăng đề xuất với Hà Nội có kế hoạch nghiên cứu, xúc tiến hợp tác trong tiêu thụ nông sản nói chung và các đặc sản nói riêng. Sóc Trăng cũng mong muốn hợp tác với Hà Nội về phát triển làng nghề, các tour, tuyến du lịch, xúc tiến đầu tư. Hai địa phương có thể nghiên cứu, xúc tiến hợp tác trên một số lĩnh vực như: Giới thiệu, quảng bá văn hóa lễ hội; trao đổi kinh nghiệm trong quản lý nhà nước, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế trang trại; cung cấp giống cây trồng chất lượng cao gắn với chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp…
Trên cơ sở xác định những lĩnh vực các địa phương có thể liên kết, hợp tác, hỗ trợ, lãnh đạo TP Hà Nội và tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng thống nhất, trong thời gian tới cần cụ thể hóa chương trình liên kết, hợp tác thông qua ban hành cơ chế, chính sách, thông thoáng về thủ tục đầu tư để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư khai thác thế mạnh của từng địa phương. Lãnh đạo TP Hà Nội và hai tỉnh đã giao các sở, ngành chức năng liên hệ, phối hợp nghiên cứu, xây dựng chương trình cụ thể để tổ chức thực hiện. Cùng với đó, các bên tăng cường làm tốt công tác quản lý đô thị và xúc tiến đầu tư thương mại, xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ để giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương theo hướng tích cực.
Dịp này, TP Hà Nội hỗ trợ quỹ xóa đói giảm nghèo tỉnh Trà Vinh 2 tỷ đồng (trước đó, năm 2009 thành phố đã hỗ trợ tỉnh 3 tỷ đồng, năm 2013 hỗ trợ 10 tỷ đồng xây dựng Trường Tiểu học Tam Ngãi C, huyện Cầu Kè); hỗ trợ quỹ xóa đói giảm nghèo tỉnh Sóc Trăng 5 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội đã đến viếng Đền thờ Bác Hồ tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, TP Trà Vinh; thăm một số di tích lịch sử văn hóa; thăm Công ty TNHH MTV Việt Trần KCN Long Đức (Trà Vinh) chuyên sản xuất bộ dây dẫn điện lắp đặt trong xe ô tô và xe máy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng - một doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước về xuất khẩu tôm sang 30 nước trên thế giới, doanh thu bình quân hằng năm khoảng 200 triệu USD.
Theo HNM