Phú Xuyên: Đưa sản phẩm OCOP làng nghề vươn xa
Huyện Phú Xuyên hiện có 231 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó sản phẩm từ các làng nghề chiếm 70%.

Để các sản phẩm OCOP vươn xa và chiếm lĩnh thị trường, huyện Phú Xuyên tập trung phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp làng nghề, đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối trực tuyến.

Đường đi mới cho sản phẩm OCOP

Ông Bùi Xuân Lợi, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm đồ gỗ, khảm trai, mỹ nghệ xã Sơn Hà, một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Phú Xuyên chia sẻ, từ khi sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, cơ sở sản xuất của ông Lợi đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ lớn từ phía chính quyền huyện.

Các chương trình quảng bá, tham gia hội chợ, cũng như các hoạt động tập huấn bán hàng online đã giúp cơ sở tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Điều này không chỉ nâng cao doanh số bán hàng, mà còn tăng cường thương hiệu cho sản phẩm làng nghề.

chuyen-my3.jpg
Các sản phẩm OCOP 4 sao trong lĩnh vực khảm trai tại xã Chuyên Mỹ được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tại nhiều hội chợ trong và ngoài huyện. Ảnh: Sơn Tùng

Còn theo bà Nguyễn Thị Lương, chủ cơ sở sản xuất mây, tre, giang đan xuất khẩu Hiền Lương, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, việc xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề là rất thiết thực. Qua đó, doanh nghiệp có cơ sở để mở rộng quy mô sản xuất, đón nhận các đơn hàng lớn và phát triển bền vững.

phu-tuc-7.jpg
Sản phẩm mây, tre, giang đan xã Phú Túc không chỉ xuất khẩu, mà còn được nhiều người tiêu dùng trong nước lựa chọn. Ảnh: Sơn Tùng

Ông Vũ Văn Đình chủ sở hữu 5 sản phẩm thủ công mỹ nghệ 4 sao của làng nghề khảm trai Chương Mỹ chia sẻ: "Chúng tôi đã học hỏi được nhiều từ các lớp tập huấn bán hàng online và sử dụng các nền tảng: Facebook, TikTok... để quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, thị trường của chúng tôi không còn bó hẹp ở địa phương, mà đã mở rộng ra toàn quốc, thậm chí xuất khẩu được một số sản phẩm. Điều này tạo động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục phát triển".

Đa dạng các hình thức hỗ trợ

Huyện Phú Xuyên có nhiều làng nghề truyền thống, hiện sở hữu 231 sản phẩm OCOP; trong đó có đến 70% sản phẩm OCOP của các làng nghề và có 167 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

phu-tuc.jpg
Sản xuất thủ công mỹ nghệ tại Cụm công nghiệp làng nghề xã Phú Túc. Ảnh: Sơn Tùng

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Vĩnh, Phú Xuyên có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, là điều kiện để huyện phát triển các sản phẩm OCOP. Việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là cách để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là cơ hội để các sản phẩm địa phương tiếp cận được với thị trường lớn hơn, cạnh tranh với các sản phẩm trong và ngoài nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh, huyện sẽ nỗ lực trong việc phối hợp với các đơn vị tư vấn và cơ quan chức năng để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc trưng, tạo nên giá trị thương hiệu riêng biệt cho sản phẩm OCOP của Phú Xuyên.

chuyen-my2.jpg
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của xã Chuyên Mỹ được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm... Ảnh: Sơn Tùng

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết, chuyển đổi số là chìa khóa để thúc đẩy sản phẩm OCOP của huyện Phú Xuyên vươn xa hơn, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Trong bối cảnh thương mại điện tử và các nền tảng số đang phát triển mạnh mẽ, việc tiếp cận với khách hàng qua các kênh trực tuyến là vô cùng cần thiết. Huyện đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp địa phương chuyển từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh số. Việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, TikTok để quảng bá sản phẩm làng nghề, giúp nhiều cơ sở mở rộng thị trường.

Đặc biệt, huyện đã lập tài khoản quảng bá làng nghề trên các mạng xã hội và tổ chức livestream bán hàng, tạo ra sự kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, với tên "Làng nghề Phú Xuyên Hà Nội". Kết quả đạt được trong thời gian qua rất đáng khích lệ, lượng tương tác và lượt theo dõi tăng mạnh, phục vụ cho việc quảng bá và livestream bán hàng. Sau hơn hai tháng triển khai, tài khoản đã nhận được hơn 31.000 lượt tương tác trên Facebook và hơn 1.400 người theo dõi trên TikTok.

Với sự đầu tư mạnh mẽ từ hạ tầng công nghiệp, chuyển đổi số trong kinh doanh, cùng với việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm làng nghề..., huyện Phú Xuyên đang ngày càng khẳng định vị thế trong việc phát triển sản phẩm OCOP. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại chính là chìa khóa để các sản phẩm OCOP làng nghề của Phú Xuyên vươn ra thị trường rộng lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8210
Tổng lượng truy cập: 25393915