Hà Nội kết nối gần 1.000 chuỗi liên kết nông sản an toàn của 43 tỉnh, thành phố
Ngày 6/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Cập nhật thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường trong và ngoài nước”.

Quang cảnh Hội nghị

 

Thông tin tại Tọa đàm cho thấy, để đáp ứng nguồn cung nông sản cho thị trường Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi, kết nối với các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện, nguồn cung sản phẩm nông sản của Hà Nội mới đáp ứng 20-70% (tùy sản phẩm) nhu cầu của hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. 

 

Trước thực trạng trên, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển gần 1.000 chuỗi liên kết nông sản an toàn; đồng thời hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản, đặc sản vùng miền. Trong đó, tỉnh Hòa Bình cung ứng hơn 1.600 tấn cá sông Đà, hơn 18.000 tấn trái cây/năm cho thị trường Hà Nội. Tỉnh Sơn La cung ứng hơn 19.000 tấn rau, củ, quả/năm. Tỉnh Hải Dương cung cấp hơn 30.000 tấn thủy sản/năm. Tỉnh Lâm Đồng cung cấp 7-10% sản lượng rau cho thị trường Hà Nội với hơn 66.000 tấn/năm…

 


Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa phát biểu tại Tọa đàm

 

Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh các kênh phân phối nông sản cho thị trường Hà Nội. Đồng thời liên kết, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp của Hà Nội để thúc đẩy hoạt động chế biến, xuất khẩu với số lượng lớn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ duy trì, phát triển chuỗi; khuyến khích, hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất tốt theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; HACCP, ISO22000... 

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đẩy mạnh thông tin về tình hình cung - cầu; chủ trương, biện pháp bình ổn thị trường đối với vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông sản phục vụ đời sống người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn về các quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại...

 


Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa phát biểu tại Tọa đàm

 

Kết luận Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Hòa cho rằng, nguồn cung ứng cho thị trường Hà Nội dịp cuối năm, như: Thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau… tương đối dồi dào. Để làm tốt việc này, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tăng cường phối hợp các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin hai chiều về tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng. Hà Nội cũng cần tăng cường tập huấn về quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu; các rào cản thị trường nước ngoài... nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.

 


Các đại biểu tham quan gian hàng của các tỉnh trưng bày tại Tọa đàm

 

Trong khuôn khổ Tọa đàm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phổ biến, cập nhật quy định về quản lý an toàn thực phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; thông tin tình hình bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…) và các khuyến nghị đối với người sản xuất, kinh doanh…

 

Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8409
Tổng lượng truy cập: 25332407