Trao quyết định công nhận danh hiệu cho 15 làng nghề Hà Nội năm 2023
Có thêm 15 làng nghề và 544 sản phẩm OCOP
Theo báo cáo tại Hội nghị, toàn Thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã gồm 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề. Đến nay, có 745/2.711 sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố là sản phẩm của làng nghề, làng có nghề, chiếm 27,48% tổng sản phẩm OCOP toàn Thành phố.
Thực hiện Quyết định số 4863/QĐ-UBND của UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội 2023-2024. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở làng nghề và tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu cho 15 làng nghề trình UBND Thành phố phê duyệt, thuộc các quận, huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Trì, Hoàng Mai. Trong 15 làng nghề được công nhận năm 2023, có 6 làng nghề được công nhận mới, 9 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên được công nhận từ “Làng nghề” lên “Làng nghề truyền thống”.
Theo kế hoạch của Hội động OCOP Thành phố về việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023 dự kiến đánh giá khoảng 400 sản phẩm. Trên cơ sở kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đôn đốc các huyện đăng ký và xây dựng kế hoạch triển khai. Tổ tư vấn phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã phối hợp với các địa phương để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Kết quả, Thành phố đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP, vượt 136% kế hoạch đề ra. Trong đó, có 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao của 200 chủ thể (50 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã, 114 hộ kinh doanh). Sản phẩm được đánh giá khá đa dạng về chủng loại, gồm: 280 sản phẩm thực phẩm chế biến chiếm 51,5%; 16 sản phẩm thực phẩm thô, sơ chế chiếm 2,9%; 61 sản phẩm thực phẩm tươi sống, chiếm 11,2%; 16 sản phẩm đồ uống, chiếm 2,9%; một sản phẩm thảo dược, chiếm 0,2%; 142 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải may mặc chiếm 26,1%; 28 sản phẩm sinh vật cảnh, chiếm 5,1%. Tổng số sản phẩm từ làng nghề tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 là 141/544, chiếm 25,9%.
Lễ ký kết hợp tác đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP Hà Nội
Như vậy, đến nay, toàn Thành phố đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao và trở thành điểm sáng, đi đầu cả nước trong phát triển Chương trình OCOP.
Phát huy giá trị sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình OCOP
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại biểu dương các làng nghề và chủ thể OCOP được công nhận trong năm 2023. Đồng thời ghi nhận sự nỗ lực tập trung trong công tác chỉ đạo của các quận, huyện, thị xã và sự tham gia nhiệt tình của các chủ thể, đơn vị tư vấn trong thực hiện nhiệm vụ trên.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại phát biểu tại Hội nghị
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Thành phố luôn xác định phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP. Từ đó khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công, nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, đặc biệt là góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Phát huy kết quả đạt được, ông Nguyễn Xuân Đại đề nghị các sở, ngành của Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện các nội dung nhằm tạo điều kiện phát huy giá trị văn hóa của Hà Nội trong việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề gắn với triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề.
Đối với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Thành phố về vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn, phát triển làng nghề để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, thống nhất về nhận thức và hành động. Qua đó góp phần đưa Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” về đích trước 01 năm. Theo đó, năm 2024, tham mưu Thành phố công nhận danh hiệu “làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội cho 26 làng nghề.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã Triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn quản lý bảo đảm đúng quy định; phấn đấu thực hiện Chương trình OCOP hoàn thành mục tiêu trước 01 năm so với kế hoạch của UBND Thành phố nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954-10/10/2024).