Các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm nông sản
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, hằng năm, cung ứng cho thị trường hơn 700.000 tấn rau, củ; hơn 1 triệu tấn lương thực; 1,4 triệu con lợn hơi xuất chuồng và 40 triệu con gia cầm. Đáng chú ý, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung nhằm tạo nguồn nguyên liệu lớn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn thành phố đã hình thành 35 vùng trồng lúa, 104 vùng trồng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung…
Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nông sản của Hà Nội đạt 1.345 triệu USD, trong đó, hàng nông sản đạt 777 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có 13.474 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản, 1.421 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng ở địa phương. Để kiểm soát chất lượng nông sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tăng cường hoạt động giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong 11 tháng năm 2023 đã lấy 1.984 mẫu các sản phẩm, trong đó có 306 mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố, kết quả 94% mẫu đạt tiêu chuẩn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi làm rõ tiềm năng, thế mạnh, đồng thời đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản của Hà Nội trong thời gian tới. Theo đó, cùng với các cơ chế, chính sách, Hà Nội cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để bảo đảm được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.
Hà Nội cũng cần thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường Phạm Văn Duy nhấn mạnh, các địa phương cần tăng cường quản lý mã số vùng sản xuất; quy định kiểm dịch, quy trình kiểm soát nhập khẩu của các thị trường nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu.