Liên kết, hợp tác để cùng có lợi
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, trên địa bàn huyện có nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa, chất lượng cao như: Vùng trồng rau an toàn tại xã Thanh Đa có hơn 200 hộ tham gia với quy mô 50ha, cung cấp ra thị trường trung bình 30 tấn rau/tháng. Hay tại xã Vân Nam, có gần 100 hộ tham gia trồng chuối trên diện tích 80ha, cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn chuối/tháng… Mới đây, rau an toàn Thanh Đa, chuối Vân Nam cùng một số mặt hàng nông sản khác của huyện đã được kết nối với Bưu điện thành phố Hà Nội (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) để chuẩn bị các bước đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn - mở hướng liên kết, tiêu thụ mới cho nông sản.
Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Hà Nội Bùi Văn Hoàng cho biết, để hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ sản phẩm, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã triển khai sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Bưu điện thành phố Hà Nội đã chỉ đạo bưu điện các huyện, điểm bưu điện văn hóa các xã hỗ trợ người sản xuất có nhu cầu tạo tài khoản, hướng dẫn đăng tải thông tin trên sàn. Khi có đơn đặt hàng, nhân viên bưu điện tiếp tục hỗ trợ người sản xuất cách thức đóng gói hàng hóa, đưa sản phẩm tới tay khách hàng một cách tốt nhất.
“Nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã được hỗ trợ miễn phí đưa sản phẩm trên sàn Postmart.vn. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ người sản xuất các khâu tiếp thị, quản lý hàng hóa và thu tiền hàng. Phía bưu điện chỉ thu cước vận chuyển đơn... Ngoài bán sản phẩm, sàn Postmart.vn còn là địa chỉ để giới thiệu sản phẩm đến các nhà bán lẻ, bếp ăn tập thể, tạo các mối liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất…”, Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Hà Nội Bùi Văn Hoàng cho biết thêm.
Cũng là một trong những doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư phát triển công nghệ Nam Khánh Mai Thế Nam thông tin, công ty đã liên kết với một số vùng trồng chuối trong và ngoài thành phố để thu mua sản phẩm, chế biến thành tinh bột chuối, chuối sấy. Không chỉ thu mua quả, công ty còn thu mua thân cây chuối (sau khi cắt buồng) để lấy tơ chuối làm nguyên liệu cho ngành dệt và hướng dẫn nông dân sử dụng bã chuối (sau khi lấy sợi) để ủ men vi sinh làm phân hữu cơ. Ông Mai Thế Nam mong muốn được hợp tác với các vùng trồng, trong đó có xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) để tạo mối liên kết bền vững từ khâu trồng đến khâu thu hoạch…, qua đó nâng cao giá trị gia tăng từ cây chuối.
Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT) Nguyễn Văn Chí, hiện nay, thành phố có 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Hà Nội còn có hơn 7.000 sản phẩm nông nghiệp đã gắn mã QR truy xuất nguồn gốc và hơn 1.500 sản phẩm OCOP. Đây là tiềm năng và cũng là nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Có thể nói, mở hướng liên kết để tạo “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp không chỉ góp phần nâng cao giá trị gia tăng mà còn thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Để hỗ trợ người sản xuất, đầu năm 2022, thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. UBND thành phố giao Sở NN&PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bên liên quan và các sàn thương mại điện tử tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng cho các hộ sản xuất. Các sàn thương mại điện tử xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ sản xuất trong quá trình giao dịch trên sàn thương mại điện tử…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết thêm: Sở NN&PTNT đang phối hợp với Hội Nông dân thành phố và các huyện tổ chức tập huấn cho nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã về chuyển đổi số trong nông nghiệp; đồng thời tổ chức kết nối, đưa doanh nghiệp về các huyện để hợp tác, liên kết với người sản xuất…
Mặt khác, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích hộ dân tham gia các hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành để cùng sản xuất, tạo thành vùng chuyên canh lớn. Các sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối uy tín… không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo sự phát triển bền vững.