Chủ động đưa nông sản "sạch" về Thủ đô
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đưa nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về Hà Nội phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời, để tạo nguồn nông sản "sạch", Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng sản xuất an toàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Giới thiệu sản phẩm nông sản “sạch” của các tỉnh do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức tại Triển lãm nông nghiệp Việt Nam (quận Cầu Giấy). Ảnh: Phương Nga

Thúc đẩy liên kết, hài hòa lợi ích

Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Dâu tây Sơn La (tỉnh Sơn La) Nguyễn Thị Lương thông tin, hợp tác xã có hơn 50ha trồng dâu theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho sản lượng khoảng 750 tấn/vụ, đang triển khai các giải pháp mở rộng thị trường và hướng tới xuất khẩu. Hiện, đa phần sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội.

Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh tiêu thụ hàng nghìn tấn bí xanh, cam, quýt và miến dong. Do đó, việc hợp tác, đưa nông sản về Hà Nội tiêu thụ vừa bảo đảm lợi ích cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Bắc Kạn, vừa là tình cảm, tri ân với Thủ đô.

Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam - Vinanutrifood (huyện Quốc Oai) Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, công ty ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm với nhiều địa phương và đã xây dựng được 1.000 điểm bán các mặt hàng nông sản sạch của Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Dự kiến năm 2022, công ty sẽ mở thêm 1.000 điểm bán nông sản của Vinanutrifood, nông sản Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các địa phương phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội và cả nước.

Đánh giá về chương trình đưa nông sản sạch về Hà Nội tiêu thụ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, cùng với việc hợp tác, liên kết, đưa các sản phẩm nông nghiệp an toàn về thành phố, thời gian qua, Hà Nội đã kết nối, đưa sản phẩm OCOP của các địa phương vào 35 điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại Hà Nội. Các mặt hàng nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc chủ động liên kết với các địa phương đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác nguồn hàng cho thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong mọi tình huống…

Dù đạt nhiều kết quả đáng mừng, song có một thực tế là việc đưa nông sản an toàn về Thủ đô còn gặp không ít khó khăn do sản xuất nông nghiệp của các địa phương còn nhỏ lẻ; sản phẩm chưa đa dạng, nhiều mặt hàng chưa có tem nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ...

Tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm

Để tiếp tục phát huy hiệu quả các hoạt động liên kết, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam (quận Thanh Xuân) Nguyễn Tiến Hưng cho rằng, cùng với việc hỗ trợ các hợp tác xã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bảo đảm số lượng, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh giải pháp liên kết vùng trong cung cấp thực phẩm "sạch" cho Hà Nội; có phương án giám sát, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trên thị trường...

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam thông tin, Sóc Trăng có 139 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn có tiềm năng tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, như: Bánh pía, lạp xưởng, gạo thơm ST 25, xoài, bưởi… Thời gian tới, Sóc Trăng và Hà Nội sẽ tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau bằng nhiều hình thức để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, Sóc Trăng kiến nghị Bộ NN&PTNT phát huy vai trò điều phối thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển sản xuất và điều tiết sản phẩm, cân đối cung - cầu...

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần rà soát các chuỗi nông, lâm, thủy sản hiện có, lựa chọn nâng cấp thành chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Mặt khác, Hà Nội sẽ hỗ trợ các sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của tỉnh, thành phố tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội.

Để người dân được sử dụng thực phẩm an toàn, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, các địa phương cũng như Hà Nội cần chú trọng nâng cao chất lượng nông sản và nắm rõ các đầu mối cung cấp hàng hóa để kết nối cung - cầu, bảo đảm yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng… Các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp quản lý chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố khi đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại.

Hà Nội đã hợp tác với 1.130 cơ sở của 22 tỉnh, thành phố phía Bắc và 23 tỉnh, thành phố miền Trung, miền Nam mỗi tháng cung cấp khoảng 92.623 tấn rau, củ, quả; 13.198 tấn thịt gia súc, gia cầm; 31,3 triệu quả trứng; 11.350 tấn thủy sản; 232.522 tấn gạo, lương thực, nông sản khác... phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4080
Tổng lượng truy cập: 22076432