Nhiều nông sản Hà Nội có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường châu Âu
Ngày 26-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin đáp ứng với quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) khi xuất khẩu.
Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trên địa bàn Thủ đô có 14.033 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 1.017 công ty, doanh nghiệp và 13.016 hợp tác xã, hộ sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ với trên 800 doanh nghiệp, cơ sở có hoạt động sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản. Thành phố đã hỗ trợ gần 80 cơ sở, doanh nghiệp áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP.

Thành phố có 113 kho lạnh bảo quản các sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó, có 7 kho lớn làm dịch vụ bảo quản với diện tích 29.000m2 phục vụ tốt cho hoạt động bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn. Ngoài ra, Hà Nội đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 4 cơ sở đóng gói với công suất từ 30-50 tấn/ngày/cơ sở phục vụ xuất khẩu.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như trên 7.000ha lúa Japonica; 3.200ha chuối tiêu hồng; trên 5.000ha rau an toàn; 50ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Bà Vũ Thị Hải Yến - Văn phòng SPS Việt Nam nhận định, châu Âu là thị trường lớn thứ 3 với tỷ trọng xuất khẩu dao động 11-19% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam với trị giá xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD/năm.

Hàng nông sản của Việt Nam hiện chiếm 2,2% thị trường nhập khẩu nông sản của châu Âu, nhưng chưa đạt được đồng nhất về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật trong từng lô hàng, chưa bảo đảm điều kiện về truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, châu Âu là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật.

Kết luận hội nghị, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, để tránh tình trạng doanh nghiệp vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trong kiểm dịch, các doanh nghiệp cần hiểu rõ về thị trường xuất khẩu để tổ chức sản xuất, thu gom bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm cho hàng hóa; đồng thời, hướng dẫn, đào tạo người lao động về quy trình sản xuất để bảo đảm an toàn thực phẩm cho sản phẩm của mình.

Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các bên từ Trung ương đến địa phương, hợp tác xã, nông dân... để tổ chức sản xuất đúng yêu cầu thị trường. Các sản phẩm trái cây, gia vị cần được kiểm soát và sử dụng đúng quy định về các hóa chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quy trình sản xuất và chế biến.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9950
Tổng lượng truy cập: 22200523