Trung tâm Khuyến nông Hà Nội: Phát huy vai trò trong phát triển nông nghiệp – nông thôn Thủ đô

Năm 2018, mặc dù gặp nhiều yếu tố bất thuận do thiên tai, biến động của thị trường,... song với sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Sở NN&PTNT Hà Nội, cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, sự phối hợp chặt chẽ, liên tục với các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt, Trung tâm cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, do đó đã tạo điều kiện thuận lợi, góp phần quan trọng để Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thực hiện công tác khuyến nông đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả nổi bật. Thông qua công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, chuyển giao TBKT và hỗ trợ, xây dựng các mô hình sản xuất,… Trung tâm Khuyến nông đã phát huy được vai trò trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp – nông thôn Thủ đô.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai tổng số 26 dạng mô hình trong đó, trồng trọt 11 dạng mô hình, cơ giới hóa 7 dạng mô hình, chăn nuôi 05 dạng mô hình và thủy sản 03 dạng mô hình, đã được triển khai trên địa bàn các quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Đối với mô hình trồng trọt: Trung tâm đã triển khai 11 dạng mô hình tại 87 điểm với 3.789 hộ tham gia. Các mô hình được triển khai đúng tiến độ, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, đạt kết quả đáng ghi nhận, trong đó, một số mô hình đã nghiệm thu được bà con nông dân đón nhận và đánh giá cao, có khả năng nhân rộng như: mô hình trình diễn đối với cây lúa, Mô hình trồng khoai tây vụ đông gắn với tiêu thụ sản phẩm, các mô hình cơ giới hóa,...

Nhằm giúp các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có thể lựa chọn các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của mỗi địa phương, đồng thời thay thế các giống lúa có biểu hiện thoái hóa, vụ xuân và vụ mùa năm 2018, Trung tâm đã triển khai thực hiện Mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất chất lượng, giống lúa tham gia trình diễn gồm Đông A1, LTH31, Lam Sơn 116, HDT 10 và Mô hình xây dựng cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm, giống lúa tham gia trình diễn gồm Thiên ưu 8, LTH31, Nếp cô tiên, Đài thơm 8 và Bắc Hương 9. Quy mô 2 vụ là 372,83 ha, được triển khai tại 5 điểm ở 5 huyện. Đây đều là những giống lúa có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chịu thâm canh, chống chịu với sâu bệnh, năng suất đạt trên 60 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng từ 7-10%, đem lại lợi nhuận cao hơn các giống đối chứng trên 10%. Điển hình là 2 giống lúa Đông A1 và LTH31 được các cấp lãnh đạo và nông dân đánh giá cao, sẽ mở rộng diện tích ở các năm tiếp theo.

Mô hình “cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm” đã nhận được sự đồng thuận cao của bà con trong việc triển khai mô hình trên cánh đồng mẫu lớn để cùng thực hiện quy trình sản xuất, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, qua đó, gắn kết giữa doanh nghiệp với người nông dân. Qua 2 vụ năm 2018, công tác tiêu thụ sản phẩm được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu hơn 304 tấn lúa, với đơn giá tương đối cao, cụ thể: 6.500 - 7.000 đồng/kg lúa tươi, 7.500 - 8.500 đồng/kg lúa khô.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất được các cấp lãnh đạo huyện, cơ sở quan tâm và bà con nông dân trên địa bàn các huyện nhiệt tình hưởng ứng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện các mô hình trình diễn đối với cây lúa. Kết quả của mô hình giúp cho các địa phương so sánh với giống lúa Khang Dân 18, Bắc Thơm số 7 về khả năng thích ứng, tính chống chịu sâu bệnh và hiệu quả kinh tế, từ đó lựa chọn các giống lúa phù hợp bổ sung vào cơ cấu giống lúa của địa phương. Đồng thời, từ kết quả đánh giá của 2 vụ năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã đề xuất với Sở NN&PTNT để đưa các giống lúa cho năng suất, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống lúa năm 2019 của thành phố, nhằm giúp cho sản xuất lúa của Hà Nội nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Đối với Mô hình cơ giới hoá: Nhằm đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, thực hiện sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã và đang tích cực triển khai chương trình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất (đặc biệt là sản xuất lúa). Theo đó, hàng năm Trung tâm xây dựng mô hình hỗ trợ 50% kinh phí mua máy nông nghiệp (không quá 75 triệu đồng/máy). Bên cạnh đó, thông qua nguồn vốn Quỹ khuyến nông hỗ trợ cho vay cơ giới hóa với mức cho vay tối đa 100% giá trị sản phẩm và hỗ trợ 100% phí quản lý trong 3 năm cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố. Qua đó, đã nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt ở các khâu làm đất và thu hoạch lúa đã đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp để có thêm các kênh hỗ trợ và chăm sóc khách hàng khi mua máy. Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Kubota Việt Nam hình thành 05 Trung tâm sản xuất mạ khay đạt tiêu chuẩn của Kubota tại Việt Nam. Việc sử dụng mạ khay, cấy máy giúp các địa phương quy hoạch được vùng sản xuất, gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm. Do đó, thành lập trung tâm mạ khay được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa toàn TP lên 10 – 15% trong năm 2020.

Trong năm 2018, Trung tâm đã triển khai 7 dạng mô hình cơ giới hóa. Các mô hình cơ giới hóa đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp đều hoạt động tốt, hiệu quả cao, giúp nông dân giảm công lao động, chi phí sản xuất, tăng thu nhập và đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Đối với mô hình Chăn nuôi: Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông triển khai 5 dạng mô hình, tại 62 điểm với 379 hộ tham gia. Trong đó nổi bật như: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản được triển khai trong 2 năm (2017-2018) trên địa bàn 3 huyện miền núi là Mỹ Đức, Thạch Thất và Ba Vì với quy mô 90 con, hỗ trợ cho 90 hộ nghèo. Đến nay bò sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống 98,8%, hiện có 66 con đã có chửa, bò mẹ đã đẻ 15 bê con khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Mô hình đã được đánh giá cao vì có ý nghĩa rất lớn với các hộ nghèo, đây vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ phát triển vươn lên thoát nghèo, đồng thời vừa là động lực, sự động viên hỗ trợ về mặt tinh thần đối với các hộ nghèo. Mô hình đã góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các điểm triển khai. Đặc biệt, năm 2018, Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia đề cử và vinh dự là một trong 3 mô hình khuyến nông chăn nuôi tiêu biểu đại diện cho 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam và Hà Giang được nhận giải thưởng Vietstock 2018 tại hạng mục “Mô hình khuyến nông chăn nuôi hiệu quả nhất”. Đây là giải thưởng nhằm vinh danh các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều thành tích vượt trội và cống hiến tích cực cho ngành chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2017-2018. Giải thưởng được chủ trì bởi Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & PTNT. Từ thành công của mô hình là cơ sở, động lực để Trung tâm Khuyến nông tiếp tục đề xuất xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản năm 2018 – 2019.

Đối với mô hình thủy sản: Qua kết quả triển khai 3 dạng mô hình cho thấy các mô hình đều có tính mới là ứng dụng công nghệ sinh học và sử dụng máy móc, trang thiết bị cơ giới hóa trong ao nuôi đã góp phần thay đổi nhận thức người dân, giúp người dân có hướng chăn nuôi mới cũng như có ý thức trong việc xử lý môi trường, không sử dụng chất cấm trong suốt quá trình nuôi nhằm tạo ra vùng nuôi an toàn, bền vững, cung cấp sản phẩm thủy sản sạch cho người dân đồng thời tăng năng suất và tăng hiệu quả kinh tế, trong đó: Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi Tôm càng xanh siêu đực thương phẩm cho năng suất đạt trên 2,5 tấn/1ha, cho lãi khoảng 150-200 triệu đồng/ha, tăng 18-20% so với sản xuất thông thường. Mô hình nuôi cá chép áp dụng công nghệ “sông trong ao” cho năng suất đạt trên 18 tấn/ha, lãi suất khoảng 200 triệu đồng/ha cao hơn 1,5 - 2 lần so với nuôi ao thông thường. Vì là năm đầu tiên triển khai để người dân dễ nắm bắt kỹ thuật nuôi khi áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến này mô hình hỗ trợ ở diện tích bể 250 m3/ha (đạt ½ diện tích bể tối đa theo quy trình là 500 m3/1 ha). Từ những năm tiếp theo, khi các hộ đã có kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật nuôi, có thể nuôi ở diện tích bể tối đa theo quy trình thì năng suất có thể đạt từ 28 – 30 tấn/ha. Mô hình đã đem lại những hiệu quả rõ nét về kinh tế, xã hội, đặc biệt là về vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản. Đây là dạng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến đang được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản với nhiều ưu điểm vượt trội. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại 3 huyện là Quốc Oai, Phú Xuyên và Thường Tín. Mô hình có quy mô 5ha với 5 hộ tham gia. Mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn liền với chủ trương, quy hoạch phát triển vùng tại địa phương, vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa góp phần thay đổi dần tập quán sản xuất của người dân. Chính vì vậy, mô hình đã nhận được sự ủng hộ và phối hợp tích cực của chính quyền địa phương. Kết quả của mô hình là tiền đề quan trọng để đánh giá, nghiên cứu nhân rộng mô hình tại các vùng chăn nuôi thủy sản.

Công tác quản lý, bảo toàn, phát triển Quỹ khuyến nông thành phố: Thông qua nguồn vốn Quỹ khuyến nông thành phố, trong năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tích cực triển khai cho vay phát triển sản xuất, đồng thời đẩy mạnh cho vay cơ giới hóa để thúc đẩy chương trình cơ giới hóa của thành phố. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra mạnh mẽ, nhiều cánh đồng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa đã được hình thành, các địa phương tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân. Có được kết quả đó là nhờ một phần không nhỏ từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Khuyến nông Thành phố. Tổng kinh phí Quỹ Khuyến nông tính đến 31/12/2018 là 193,027 tỷ đồng, trong đó kinh phí quỹ khuyến nông phát triển sản xuất là 142,236 tỷ đồng, kinh phí Quỹ khuyến nông phát triển cơ giới hóa là 50,791 tỷ đồng.

Năm 2018, Quỹ Khuyến nông đã tiếp nhận 287 phương án xin vay vốn với số tiền xin vay là 88,862 tỷ đồng. Qua kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định các cấp, Giám đốc Quỹ đã ký hợp đồng cho vay 258 phương án với số tiền 80,307 tỷ đồng, đã giải ngân 275 phương án với số tiền hơn 84,845 tỷ đồng (trong đó có 34 phương án của năm 2017 chuyển tiếp sang). Thu hồi vốn vay của 284 hộ trên địa bàn 20 quận, huyện, thị xã với số tiền trên 59,358 tỷ đồng. Thu phí quản lý quỹ của 491 hộ với số tiền trên 6,470 tỷ đồng.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - Nguyễn Xuân Đại cho biết: Năm 2019, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông, tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình 02 của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Nghị định số 83/2018 của Chính phủ về Khuyến nông để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiệu quả bền vững. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo chuỗi, mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, các giống cây trồng, vật nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao, các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm tạo ra sản phẩm ATTP đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thành phố, Bộ, Ngành về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu. Đặc biệt, đối với công tác quản lý, sử dụng và bảo toàn nguồn vốn quỹ khuyến nông, cần tiếp tục giải ngân cho vay phát triển sản xuất và cho vay cơ giới hóa, nhằm nhân rộng và phát triển các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hỗ trợ thúc đẩy các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệpThủ đô./.

Lưu Phượng – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8241
Tổng lượng truy cập: 25257804