Sản xuất rau an toàn ở Hà Nội: Lợi từ người sản xuất đến người tiêu dùng

Phát triển sản xuất rau an toàn không chỉ là nội dung quan trọng của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà còn hướng đến nền sản xuất nông nghiệp đô thị. Những năm qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã tập trung xây dựng các mô hình trồng rau an toàn, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Chú trọng khâu sản xuất

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, các huyện, thị xã khu vực ngoại thành đẩy mạnh trồng rau an toàn trên quy mô lớn. Ông Hoàng Văn Khải, Giám đốc HTX Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cho hay, HTX được thành lập năm 2016 với 37 thành viên tham gia sản xuất khoảng 40 loại rau/năm, mùa nào thức ấy. Toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khi thu hoạch rau tại HTX đều áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật. Cùng với đó, nông dân áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để hạn chế sâu bệnh hại. Do đó, từ năm 2017 đến nay, HTX đã có 15ha rau được cấp chứng nhận VietGAP.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, nông dân trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng đẩy mạnh sản xuất rau an toàn. Đơn cử, xã Yên Thường, ngoài trồng các loại rau ăn lá, còn trồng các loại rau gia vị. Nhờ thực đúng quy trình sản xuất, xã đã có gần 42ha trồng rau được giấy chứng nhận VietGAP. Còn tại xã Yên Viên, trên diện tích 22ha trồng rau, ngoài chủ động hạt giống rau gieo trồng để giảm chi phí sản xuất, nông dân ở đây còn áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để hạn chế sâu bệnh gây hại…

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, diện tích được chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố là 5.044ha, sản lượng đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng Thủ đô. Còn diện tích rau đạt tiêu chuẩn VietGAP là 521,6ha, rau hữu cơ khoảng 50ha. Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, sản phẩm rau an toàn trồng trên địa bàn thành phố đều bảo đảm HTX; hiệu quả kinh tế từ trồng rau an toàn cao hơn sản xuất rau thường từ 10 đến 20%, giá trị sản xuất đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm và có khoảng 1.200ha đạt giá trị 1 tỷ đồng/ha/năm do sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, trồng rau trái vụ…

Đáng nói, thông qua tập huấn kỹ thuật và được tuyên truyền, vận động, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong sản xuất rau an toàn từ 60% trở lên, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau an toàn giảm 50%, nông dân đã tuân thủ đúng thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất rau an toàn, UBND thành phố đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới rau an toàn định hướng đến năm 2020 với mục tiêu, diện tích sản xuất rau toàn thành phố là hơn 16.276ha, trong đó các vùng sản xuất rau tập trung là 151 vùng với tổng diện tích là hơn 6.644ha (trung bình 44ha/vùng)… Hình thức tổ chức sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố chủ yếu là các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia sản xuất rau an toàn…

Giải quyết “đầu ra” cho rau an toàn

Theo số liệu điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội vừa công bố, hiện trạng phân phối, tiêu thụ rau trên địa bàn thành phố có 6 hình thức chính: Bán trực tiếp cho các siêu thị chiếm khoảng 1,5% tổng sản lượng; cửa hàng phân phối bán lẻ rau an toàn chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng (nhà hàng, bếp ăn...) chiếm 1,8%; các thương lái thu gom chiếm 12,6%; người sản xuất tự bán tại các chợ bán lẻ (chợ dân sinh) chiếm 26,8%; bán buôn tại các chợ đầu mối chiếm 55,8%. Còn số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau trên địa bàn thành phố hiện có 35 mô hình chuỗi HTX áp dụng Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS), đây là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ. Hệ thống này dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan, như: Người tiêu dùng - doanh nghiệp phân phối - cơ quan quản lý nhà nước - các đối tượng quan tâm khác. Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng.

Đánh giá về hiệu quả sản xuất theo mô hình PGS, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, việc làm này đã tạo được lòng tin tiêu thụ rau an toàn cho người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đến hộ. Số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng tăng lên đáng kể, đến nay, đã có 208 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm rau an toàn trung bình 42 tấn/ngày. Giá bán sản phẩm rau an toàn ngày càng ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, qua đó tránh được hiện tượng “được mùa mất giá”. Theo tính toán, giá trị sản xuất rau an toàn tại các vùng cao hơn 10-20% so với trồng rau thông thường.

Theo ông Nguyễn Xuân Đại, sản phẩm của 35 mô hình PGS được người tiêu dùng tin tưởng và thu nhập của người sản xuất rau an toàn cũng tăng lên nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS. Đáng chú ý, vai trò, trách nhiệm tự quản, kiểm tra chéo, kiểm soát đến hộ cũng tăng lên. Còn các doanh nghiệp tham gia đã chủ động nguồn hàng cung cấp rau an toàn cho đối tác, hạn chế rủi ro khi thị trường biến động về giá cả, kiểm soát được chất lượng...

Nguồn: HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 2004
Tổng lượng truy cập: 22076432