Hội nông dân huyện Đan Phượng tổ chức thực hiện chương trình thí điểm phân loại và xử lý rác tại nhà tạo môi trường sống sáng – xanh – sạch – đẹp, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội với lượng chất thải rắn sinh hoạt ước tính khoảng 88 tấn/ngày. Thành phần rác thải sinh hoạt chủ yếu là rác hữu cơ chiếm 50%-54%; nilon, nhựa chiếm 11.5%-14.5%, còn lại là rác thải khác Việc thu gom, vận chuyển và xử lý luôn được các cấp các ngành huyện Đan Phượng quan tâm, cùng ý thức và sự tham gia tích cực của người dân nên công tác thu gom đạt hiệu quả, đảm bảo mỹ quan đô thị toàn huyện xanh – sạch – đẹp.

Từ đầu tháng 3/2022, Hội nông dân huyện Đan Phượng phối hợp với Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) thí điểm phân loại và xử lý rác tại nguồn nhằm giảm rác thải sinh hoạt tại 04 xã: Trung Châu, Thọ Xuân, Đồng Tháp, Thượng Mỗ. Tham gia làm mô hình thí điểm có 200 hộ gia đình thuộc 4 xã trên (mỗi xã là 50 hộ tiêu biểu nòng cốt). Đến nay, mô hình đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Anh Đào Quang Ánh – Chủ tịch hội nông dân xã Thọ Xuân cho biết: Khi xã được hội nông dân Huyện chọn làm mô hình điểm, hội nông dân xã rất mừng nhưng bên cạnh đấy còn nhiều trăn trở lên làm thế nào cho tốt. Hội nông dân xã chọn 50 hộ tiêu biểu trong xã tham gia tập huấn và được phổ biến kiến thức liên quan đến phân loại rác và xử lý rác hữu cơ tại gia đình. Tất cả các hộ tham gia tập huấn được phát chế phẩm vi sinh, đồng thời cũng được hướng dẫn làm mẫu tại 1 hộ, sau đó thực hành phân loại rác thải và sử dụng chế phẩm vi sinh biến rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng tại chính gia đình nhà mình.

Trong buổi tập huấn người dân biết rằng nên phân rác sinh hoạt làm ba loại chính, với những các xử lý riêng cho từng loại:

- Rác hữu cơ là loại rác từ: rau, củ, quả, cành cây, lá, cỏ, bã trà/cà phê, thức ăn thừa: cơm, canh, thịt, cá…, đựng trong thùng/túi màu xanh do gia đình tự chuẩn bị. Ngoài ra nếu hộ gia đình chăn nuôi hay tham gia trồng trọt thì có thể tận dụng thêm chất thải gia súc, gia cầm, chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đem các nguồn rác hữu cơ này ủ với chế phẩm vi sinh do đơn vị CDI cung cấp, cho vào thùng hay đào hố chôn trong vườn đất trống sau một thời gian thành phân bón hữu cơ bón cho cây trồng rất tốt.

- Rác tái chế (thùng/túi màu cam): Thùng cát tông, sách báo cũ, các loại vỏ lon, hộp đựng trà, các loại đồ nhựa, chai nhựa, bình xịt… có thể bán đồng nát.

- Rác khó phân huỷ (thùng/túi màu đen): đối với thuỷ tinh, sành, sứ, pin đóng gói riêng; rác y tế, bao bì bảo vệ thực vật được thu gom xử lý riêng; giấy ăn, giấy vệ sinh, bỉm, hộp xốp, tất cả rác khó phân huỷ được đưa đi xử lý tập trung.

Bà Đỗ Thị Giang, chủ tịch hội nông dân xã Thượng Mỗ cho biết :’”thời gian đầu triển khai do thói quen không phân loại rác đã hình thành nên triển khai thí điểm ban đầu còn găp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Cũng do công tác phân loại và xử lý rác được hướng dẫn tận tình, tại xã có “ban chủ nhiệm” của hội nông dân xã, huyện trực tiếp nhắc nhở người dân, công tác phân loại sau hơn tháng thực hiện đi vào thói quen.”

Bà Nguyễn Thị Tuyết, người dân xã Đồng Tháp cho biết: “Cách làm này không những giúp cho môi trường xanh, sạch mà còn tận dụng rác hữu cơ, chống lãng phí… rác hữu cơ từ thức ăn thừa của gia đình, bã đậu, kể cả cỏ, thân lá rau ngoài đồng… cho vào hố ủ trong vườn, tưới thêm nước pha dung dịch men vi sinh rồi đậy lại, ủ thành phân bón cho cây trồng.” Bà Tuyết cũng cho biết phương pháp ủ phân hữu cơ này rất tốt nên sau khi được tập huấn mặc dù hết chế phẩm được Trung tâm CDI phát cho gia đình bà tự mua về làm, nên nhiều tháng nay vườn rau của bà không phải dùng phân hoá học nữa mà lúc nào cũng xanh mướt.

Ngoài ra để “định lượng” và tính toán lượng rác thải đã được xử lý, mỗi hộ gia đình tham gia làm điểm tại 4 xã Trung Châu, Thọ Xuân, Đồng Tháp, Thượng Mỗ được phát phiếu và hướng dẫn kiểm kê rác thải hàng ngày. Số liệu được kiểm tra đôn đốc cập nhật nghiêm túc gửi báo cáo về Hội nông dân huyện Đan Phượng và Trung tâm phát triển và hội nhập.

 Sau hơn 3 tháng thực hiện qua số liệu thu thập được từ việc tính toán lượng rác thải ra hàng ngày của các hộ gia đình trên 4 xã trên, kết quả thu được khá khả quan (lượng rác thải tại các gia đình đã giảm được hơn 60% so với thời điểm ban đầu chưa tiến hành thí điểm phân loại và xử lý rác hữu cơ). Với thành quả bước đầu, hy vọng rằng hệ thống thu gom và xử lý rác tập trung tại huyện Đan Phượng sẽ sớm giảm gánh nặng, góp phần cải thiện sức khoẻ và chất lượng môi trường sống.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào phân loại rác thải và xử lý rác tại nhà trên địa bàn toàn huyện, Hội nông dân huyện Đan Phượng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội phối hợp với Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Phòng Tài nguyên môi trường huyện, Trung tâm nông nghiệp hữu cơ-Học viện nông nghiệp, Trung tâm phát triển hội nhập (CDI); Công ty Dược phẩm Hoàng Giang, công ty vi sinh SUMITRI Miền Nam, Công ty phân bón lá A2…tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nhà và sử dụng chế phẩm vi sinh biến rác thải hữu cơ thành phân bón…Hội cố gắng phấn đấu năm 2025 đạt 100% hộ hội viên nông dân thu gom, phân loại rác tại nguồn; trên 90% lượng bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng sau sử dụng được thu gom theo quy định.

Trần Thị Việt Mỹ, Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 570
Tổng lượng truy cập: 22002747