Hiệu quả từ đồng bộ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân tích cực cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp nhằm giảm khâu lao động nặng nhọc, nguy hiểm, bảo đảm tính thời vụ khi thực hiện thâm canh, tăng vụ, xoay vòng nhanh…

Hướng đi này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn…

thu-hoach-khoai-tay-tai-hop.jpg
Thu hoạch khoai tây tại Hợp tác xã Cơ giới hóa đồng bộ dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Trọng Tùng

Bảo đảm tính thời vụ

Vụ đông năm 2024, huyện Sóc Sơn chỉ đạo Hợp tác xã Cơ giới hóa đồng bộ dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của huyện triển khai mô hình “Trình diễn khoai tây giống mới năng suất, chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu”. Mô hình có sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội), được thực hiện trên địa bàn xã Đông Xuân, quy mô 10ha. Đây cũng là một trong những mô hình điểm trong áp dụng cơ giới hóa sản xuất vụ đông 2024…

Giám đốc Hợp tác xã Cơ giới hóa đồng bộ dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Thành Cơ cho biết, khi thực hiện mô hình, để bảo đảm xuống giống đúng khung thời vụ, hợp tác xã đã đưa cơ giới vào sản xuất, máy móc thay nhân lực con người từ khâu xới đất, đánh luống, bón phân đến phủ đất. Với mỗi máy cày đa năng, trung bình một ngày phay được khoảng 3,5ha đất, lên luống 2,2ha… nên nông dân không lo chậm mùa vụ và tiết kiệm công làm đất khoảng 10 triệu đồng/ha so với làm thủ công…

Ở một địa phương khác, ông Nguyễn Bá Trung ở xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) chia sẻ, hơn 10 năm nay, gia đình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất 40ha lúa, từ gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đến gặt đập liên hoàn… Ngoài ra, gia đình ông trồng khoai tây vụ đông xuân với phương thức trồng, vun xới, dỡ khoai áp dụng cơ giới nên giảm được chi phí khá lớn cho việc thuê nhân công lao động. Việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa các khâu từ làm đất, bón phân, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch giải quyết được tình trạng thiếu lao động, đáp ứng yêu cầu thời vụ, đặc biệt là giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp…

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... Đến nay, cơ giới hóa trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 100%. Diện tích lúa được thu hoạch bằng máy đạt 90%. Những năm qua, thành phố luôn khuyến khích nông dân, hợp tác xã tích cực cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

Hiệu quả thực tế đã chứng minh, cơ giới hóa đạt đa lợi ích, giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo đảm tính thời vụ…

Tiến tới cơ giới hóa đồng bộ

Bên cạnh kết quả khả quan như trên, hiện nay, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó khăn: Sản xuất nông nghiệp mang tính rủi ro cao nên chưa thu hút được hộ cá nhân tham gia vào quá trình cơ giới hóa đồng bộ; nông dân khó tiếp cận máy móc hiện đại do trong nước chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp, chủ yếu là hàng nhập khẩu từ nước ngoài nên giá bán cao…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, mặc dù còn khó khăn nhưng tạo giá trị cao nên huyện tiếp tục xác định cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Theo đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, huyện đầu tư cơ sở hạ tầng ở các vùng chuyên canh, tạo thuận lợi cho hợp tác xã áp dụng cơ giới trong sản xuất. Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai các mô hình điểm về áp dụng cơ giới hóa để nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Cụ thể, cơ giới hóa trong khâu gieo cấy 15%, khâu chăm sóc 60%, khâu thu hoạch 95%… Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân 100% phí quản lý khi mua các loại máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua hợp đồng vay vốn của Quỹ Khuyến nông thành phố, 100% lãi suất theo hợp đồng vay vốn.

Về phía các địa phương, Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến nghị cần cụ thể hóa chính sách về cơ giới hóa để khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất tham gia thực hiện. Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục xây dựng, triển khai các mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; thẩm định, giải ngân cho hộ vay vốn từ Quỹ Khuyến nông để mua máy, trang thiết bị cơ giới nhằm nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, tạo sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, giới thiệu máy móc, thiết bị cơ giới, hướng dẫn cách sử dụng cho người dân...

Bên cạnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần hoàn thiện hạ tầng nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống tiêu thoát nước; đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn; khuyến khích người dân chủ động đầu tư mua sắm máy móc, ứng dụng cơ giới trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1015
Tổng lượng truy cập: 25332407