Dồn điền đổi thửa huyện Chương Mỹ: Quyết liệt, sâu sát, đúng lộ trình
Huyện Chương Mỹ đang tập trung chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với mục tiêu đến năm 2013 sẽ hoàn thành công tác này. Qua hơn 3 tháng thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, mặc dù còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhưng với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã và thôn, cùng sự đồng thuận cao của nhân dân, kế hoạch đang được triển khai có hiệu quả.

\"Ngày hội\" dồn ruộng ở các xã

Mấy ngày nay, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong (Chương Mỹ) Vũ Lập cùng 24 cán bộ xã, thôn trong tổ DĐĐT của xã liên tục có mặt trên các cánh đồng thôn Thượng, thôn Yên Cốc để tiến hành đo đạc diện tích ruộng, đường giao thông nội đồng, kênh mương… \"Chúng tôi đang thực hiện bước 5 của kế hoạch DĐĐT. Đến cuối tháng 12 này sẽ bàn giao ruộng đến từng hộ gia đình với diện tích 231ha, bình quân mỗi hộ sau dồn ruộng còn khoảng 1 đến 2 thửa\" - ông Lập cho biết. Thực hiện Nghị quyết số 19 của Huyện ủy Chương Mỹ về tiếp tục lãnh đạo thực hiện DĐĐT gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, xã Hồng Phong đã khẩn trương hoàn thành các công việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thành lập ban chỉ đạo; xây dựng đề án…

Theo Chủ tịch UBND xã Vũ Lập, bước tổ chức học tập, thảo luận đóng góp vào đề án rất sôi nổi và nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân ở các thôn. Xã đưa ra thảo luận công khai, dân chủ nên đã tìm được tiếng nói chung trong xây dựng đề án, 100% người dân đồng thuận. Anh Lại Xuân Hiệu, thôn Thượng (xã Hồng Phong) chia sẻ: \"Chúng tôi mong đợt dồn ruộng này sẽ gọn thửa, gọn vùng để người dân yên tâm sản xuất lâu dài. Băn khoăn nhất của người dân Hồng Phong đã được Ban chỉ đạo xã giải quyết hợp tình, hợp lý là phần diện tích đất cao, đất trũng được cải tạo để chuyển đổi thành khu vực chăn nuôi, phát triển các mô hình trang trại lúa cá vịt, nuôi trồng thủy sản…\". Cũng như gia đình anh Hiệu, 1.177 hộ trên địa bàn xã Hồng Phong đang mong chờ và tin tưởng vào chủ trương dồn ruộng sẽ mang đến một bộ mặt hoàn toàn mới cho đồng ruộng Hồng Phong, tạo tiền đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả.

Xã Nam Phương Tiến, mặc dù là xã vùng đồi gò nhưng đã hoàn thành việc dồn ruộng ở 8/9 thôn từ thời kỳ 1997-1998 và 2006-2011. Hiện xã Nam Phương Tiến đã hoàn thành DĐĐT 418,7ha, bình quân còn từ 1 đến 2 thửa/hộ, riêng thôn Núi Bé do địa hình bậc thang nên xã đã quy hoạch trồng cây ăn quả. Sau dồn ruộng, người dân xã Nam Phương Tiến đã chuyển đổi mạnh sang các mô hình kinh tế hiệu quả, như 161 mô hình lúa cá vịt với diện tích 60ha; xây dựng 14 trang trại với diện tích gần 4ha; 50 mô hình nuôi trồng thủy sản; 77 trại bưởi Diễn với diện tích hơn 40ha… Những kinh nghiệm bước đầu tại Nam Phương Tiến đã được UBND huyện Chương Mỹ tổ chức hội nghị đầu bờ để phổ biến tới toàn bộ các xã, thị trấn cùng thực hiện.

Hoàn thành DĐĐT trong năm 2013

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trần Vũ Lâm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo DĐĐT của huyện cho biết, thực hiện Nghị quyết số 19 của Huyện ủy, Ban chỉ đạo huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành cơ bản diện tích đất nông nghiệp DĐĐT trong năm 2012 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2013 với diện tích khoảng gần 10.000ha, bình quân mỗi hộ còn 1-2 thửa. Huyện Chương Mỹ đã tạm ứng kinh phí 3 tỷ đồng hỗ trợ các xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến nhân dân, lập đề án, rà soát, đo đạc thực địa. Hiện toàn bộ 32 xã, thị trấn đang tận dụng điều kiện thuận lợi người dân vừa thu hoạch xong lúa mùa để triển khai các bước dồn ruộng. Hầu hết các xã đã tiến hành họp dân, đo đạc ngoài thực địa và lập dự toán các công trình giao thông, thủy lợi. Trong quá trình triển khai, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung khắc phục một số khó khăn liên quan đến xác định nguồn gốc đất, quyền lợi của một số hộ đi xây dựng kinh tế mới quay về địa phương năm 1993; quyền lợi của người sinh con thứ ba, diện tích đất đã quy hoạch nhưng chưa thu hồi… Ban chỉ đạo huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn DĐĐT với nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương; chuyển đổi phải gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, từng bước cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống tưới, tiêu, giao thông, thủy lợi nội đồng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

 Nguyễn Tất Độ   Báo Hà Nội mới


BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1256
Tổng lượng truy cập: 25344896