Hà Nội thực hiện dồn điền, đổi thửa: Tiền đề xây dựng nông thôn mới
Dồn điền, đổi thửa tuy không phải là tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nhưng nghiên cứu tất cả các phương pháp, bước đi, cách làm thì đây là yếu tố để tác động đến các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, với đồng đất của Hà Nội nhỏ lẻ, manh mún, bình quân 10-12 ô thửa/hộ, không thuận lợi cho canh tác thì dồn điền, đổi thửa càng trở nên quan trọng. Bằng sự quyết tâm, từ năm 2012 đến nay, công tác dồn điền, đổi thửa đã được triển khai đồng loạt tại các địa phương đem lại những tín hiệu tích cực mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp.

 Bài 1: Quyết liệt, sâu sát, đúng lộ trình

Chưa khi nào các địa phương ngoại thành Hà Nội lại ráo riết vào cuộc triển khai dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) như thời điểm này. Cùng với họp bàn, bốc thăm, chia ruộng, trên các cánh đồng, người dân hừng hực khí thế ra quân thực hiện đào đắp làm kênh mương, thuỷ lợi nội đồng hình thành những thửa ruộng mở ra cơ hội mới cho người nông dân phương thức sản xuất mới, hiệu quả hơn.

 “Ngày hội” xuống đồng ở các xã

Với quyết tâm chính trị cao, cộng với việc đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo ở cơ sở, phát huy dân chủ trong nhân dân, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất đã tháo gỡ khó khăn, thực hiện khá thành công công tác DĐĐT. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trần Vượng cho biết, thách thức lớn nhất đối với Hương Ngải khi triển khai DĐĐT đó là vùng bán sơn địa, đồi gò, diện tích nhỏ lẻ, bình quân mỗi hộ có từ 9-13 thửa, cá biệt có những hộ trên 15 thửa. Ruộng đất manh mún nên không thể đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng, Vì vậy, giá trị trong sản xuất nông nghiệp rất thấp. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi nội đồng bị xuống cấp, chưa phù hợp với điều kiện canh tác mới, trong khi một bộ phận nhân dân tỏ ra hoài nghi lợi ích của việc DĐĐT, và hơn hết, ngân sách địa phương không đủ chi phí. Sau khi nắm bắt tình hình khó khăn của từng thôn, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề, UBND xã xây dựng kế hoạch DĐĐT gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị đất canh tác nhằm từng bước làm thay đổi vùng đất này. Theo thống kê, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Hương Ngải khoảng 319ha, trong đó, diện tích phải DĐĐT là 258,35ha. Cùng với việc kê khai thống kê diện tích đến các hộ dân, xã đã chỉ đạo các tiểu ban DĐĐT ở 9 thôn xây dựng đề án DĐĐT cho từng thôn sát với thực tế và kéo người dân vào cuộc. Kết quả, đến nay, đã có 9/9 thôn xây dựng xong đề án DĐĐT; Ban chỉ đạo của xã đã lập kế hoạch dự toán kinh phí đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng trên 8 tỷ đồng. Đến thời điểm này đã có 8/9 thôn tổ chức bốc thăm nhận ruộng, chỉ còn thôn 8 sẽ tiến hành bốc thăm trong tháng 11. Dự kiến đến hết năm 2013, toàn xã sẽ hoàn thành công tác DĐĐT để người dân bước vào sản xuất vụ xuân 2014. Cụ Vũ Thị Huệ, 76 tuổi, thôn 7, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất cho biết: đồng đất ở đây trung du, đồi gò, ruộng vàng, ở cách xa nhau, một số cánh đồng, thửa ruộng nhỏ chỉ một, hai đường bừa. Thực tế sản xuất nông nghiệp đã lạc hậu so với sự phát triển kinh tế nông nghiệp chung của cả nước... Chính những hạn chế này, đòi hỏi địa phương phải quyết liệt để sớm hoàn thành công tác DĐĐT, mở ra những cơ hội mới cho người nông dân nơi đây cách làm ăn mới nên người dân phấn khởi.

Không riêng Hương Ngải, khí thế DĐĐT làm tiền đề cho xây dựng nông thôn mới đang diễn ra khá mạnh mẽ ở nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội. Trên các cánh đồng từ các huyện phía Nam thành phố như: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức đến các huyện phía Tây như Phúc Thọ, Ba Vì, thị xã Sơn Tây hay các huyện phía Bắc như Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm đang chạy đua với thời gian để cán đích hoàn thành công tác DĐĐT theo chỉ đạo của thành phố trong năm 2013. Tại xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, từ trên đê tả Đáy nhìn xuống cánh đồng thẳng cánh cò bay, những chiếc máy xúc đang múc từng gầu đất để làm giao thông thủy lợi nội đồng. Những ô thửa vuông vắn, mỗi ô rộng đến cả nghìn mét vuông và ô nào cũng gần đường giao thông, kênh mương. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết: diện tích đất nông nghiệp toàn huyện là hơn 12.730ha, diện tích có khả năng thực hiện gần 10.700ha. Sau công cuộc chuyển đổi ruộng đất lần thứ nhất vào năm 1996 và lần thứ hai năm 2003, ruộng đồng Ứng Hoà đã giảm bớt sự manh mún, phân tán. Để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn một cách bền vững, một cuộc “cách mạng ruộng đất” tiếp tục được phát động triển khai trên toàn huyện với quyết tâm và khí thế mạnh mẽ. Theo đó, UBND huyện đã có công văn chỉ đạo tổ chức rà soát, phân loại, thực hiện chuyển đổi các thửa đất manh mún thành các thửa đất lớn phù hợp với điều kiện sản xuất của từng đơn vị. Tính đến hết năm 2011, toàn huyện đã dồn được hơn 8.484ha. Trong năm 2012, toàn huyện đã phê duyệt 10 phương án DĐĐT tại 10 xã và thực hiện DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp được hơn 1.504ha đạt 100,3% kế hoạch. Năm 2013, huyện tiếp tục chỉ đạo DĐĐT ở các xã với những diện tích chưa dồn lần 2 và những diện tích đã dồn lần 2 nhưng chưa đạt yêu cầu mỗi hộ 1-2 ô với tổng diện tích dồn là gần 4.100ha.

Nằm liền kề Ứng Hoà, huyện Thanh Oai cũng được đánh giá cao trong công tác triển khai thực hiện DĐĐT. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Hồng Yên cho hay, để hoàn thành 100% diện tích DĐĐT, huyện đã thành lập 21 đoàn công tác xuống 21 xã, thị trấn hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thường xuyên liên tục để đẩy nhanh tiến độ. Tại các xã Thanh Mai, Phương Trung trước đây vốn là những địa phương có nhiều khiếu kiện nhất thì nay triển khai công tác DĐĐT lại đạt kết quả cao nhất, đến nay, hai xã đã có bản hoàn thành chia ruộng cho người dân. Không khí DĐĐT diễn ra tương tự ở Ba Vì. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải, hiện ban chỉ đạo, tiểu ban chỉ đạo từ xã đến thôn đều tập trung triển khai công tác DĐĐT theo kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 18/10/2013, trên địa bàn huyện đã chia ruộng trên sơ đồ hơn 2.393 ha, trong đó chia ngoài thực địa được 1.090 ha; cắm tuyến giao thông, thủy lợi được 540 km và tổ chức san gạt thi công đào đắp được gần 150 ha. Nhóm các xã đã phê duyệt phương án, chia ruộng ngoài thực địa và thi công giao thông, thủy lợi nội đồng bao gồm 11 xã. Nhóm các xã đã phê duyệt phương án, đã ghép ruộng trên sơ đồ và cắm tuyến, thi công giao thông thủy lợi nội đồng bao gồm 16 xã. 

Định hình dáng vóc nông nghiệp Thủ đô

Từ thực tế cho thấy, DĐĐT có tác động đến tất cả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Thể hiện ở chỗ, đối với quy hoạch, chỉ khi DĐĐT mới có thể quy hoạch lại được sản xuất, một tiêu chí trong quy hoạch nông thôn mới (Quy hoạch nông thôn mới gồm 3 loại: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cơ sở hạ tầng các khu trung tâm và quy hoạch sản xuất). Quy hoạch sản xuất trong điều kiện ruộng đất manh mún thì không thể thực hiện được. Và có quy hoạch sản xuất mới chuyển đổi được cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân. Quy hoạch lại được sản xuất thì mới giải quyết được việc doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, hỗ trợ cho việc cơ giới hóa sau DĐĐT. DĐĐT cũng sẽ tác động trực tiếp đến các tiêu chí giao thông, thủy lợi nội đồng (các tiêu chí số 2 và số 3). Đồng thời, giải quyết được vấn đề công bằng, bởi trước đây ruộng đất do công tác đo đạc thủ công chỉ mang tính tương đối. Đúc rút kinh nghiệm, để thực hiện tốt công tác DĐĐT, phương châm chỉ đạo của các địa phương, trước hết phải xây dựng được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và từng bước điều chỉnh quy hoạch một cách phù hợp thực tế nhằm tạo cơ sở cho việc DĐĐT và ngược lại thực hiện tốt công tác chuyển đổi chính đó là từng bước triển khai công tác quy hoạch, làm tốt công tác giao thông, thuỷ lợi nội đồng chính là cơ sở thuận lợi cho việc DĐĐT, thực hiện tốt việc DĐĐT ruộng đất chính là cơ hội cho việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, muốn thực hiện tốt công tác giao thông, thuỷ lợi nội đồng: trước hết là phải có lịch trình, kế hoạch và chọn thời cơ, thời vụ sản xuất để ra quân đồng loạt phát động có tính thời điểm, thời vụ. Đồng thời, phải biết tạo ra phong trào để huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, hội nông dân… tạo thành một phong trào thi đua trong thôn xóm, vừa vận động, thuyết phục, vừa động viên, sau đó gắn vào tiêu chuẩn và nhiệm vụ của mỗi người bằng chỉ tiêu số lượng để tham gia thực hiện từ đó nhân dân ý thức được đó là việc của mỗi người dân...

Hà Nội đã xác định DĐĐT chính là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Mục đích Hà Nội vạch ra, sau DĐĐT mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa để thuận lợi hơn cho canh tác. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho ban chỉ đạo tổ chức sơ kết phong trào DĐĐT vào đầu năm 2012, đồng thời, yêu cầu các địa phương đăng ký kế hoạch DĐĐT. Trên cơ sở đó, tháng 5/2012, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch 68/KH-UBND về việc thực hiện dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp năm 2012- 2013 và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Hướng dẫn số 29/HD-SNN về “Quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội” để thực hiện. Nhờ vậy, công tác DĐĐT đã đạt được những kết quả ngoài sự mong đợi. Trong năm 2012, các xã như Tân Hưng, Minh Trí (huyện Sóc Sơn), xã Liên Mạc (huyện Mê Linh), xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức), xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên)... trở thành mô hình điểm về DĐĐT. Điều dễ nhận thấy nhất, sau DĐĐT các cánh đồng mẫu lớn cũng như nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hình thức tích tụ ruộng đất hiệu quả cao đã và đang liên tục ra đời như: mô hình sản xuất hoa, rau an toàn, chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi trồng thủy sản... đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân Thủ đô.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 171/KH-UBND thay thế Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 9/5/2012 về việc thực hiện DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2012-2013. Theo đó, các địa phương thực hiện DĐĐT phải gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp...; chỉ tiến hành DĐĐT ở những nơi, vùng sản xuất nông nghiệp ổn định theo quy hoạch được duyệt; sau DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa ruộng để sản xuất; thực hiện DĐĐT phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, đoàn kết, có sự đồng thuận cao của nhân dân; sau DĐĐT phải cấp ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ sản xuất theo quy định của Luật Đất đai...

 

HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 944
Tổng lượng truy cập: 22313801