Những thuận lợi cơ bản
- Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12, ngày 29/5/2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, diện tích tự nhiên của thành phố Hà Nội sau điều chỉnh là 3.329 km2, với 29 đơn vị hành chính, dân số khoảng 6,23 triệu người; nhờ đó, Hà Nội được bổ sung thêm nguồn lao động dồi dào, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được cộng hưởng bởi bề dày lịch sử nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội với văn hoá xứ Đoài đã tạo cho Hà Nội thế và lực mới, mở ra thời kỳ mới cho sự nghiệp phát triển Thủ đô.
- Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương như: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; Luật Thủ đô số 25/2012/QH13; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khoá IX về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
- Tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban chấp hành đảng bộ Thành phố, HĐND, UBND Thành phố phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; cán bộ, đảng viên, người lao động Thủ đô có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao, tạo nên sự đồng thuận, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội một cách nghiêm túc và hiệu quả; đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân. Trước khi có chương trình, thành phố cũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất; chú trọng việc đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực nông thôn.
- Diện tích tự nhiên rộng lớn, đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, là tiền đề thuận lợi và dư địa cho việc đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Khó khăn
- Tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực thời gian qua diễn biến phức tạp; thị trường trong nước cạnh tranh quyết liệt với nông sản nhập khẩu; chính sách nhập khẩu hàng hàng hoá của các nước lớn không ổn định, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản gặp nhiều khó khăn; trong khi đó hàng nông sản nội địa còn chưa có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước; điều đó tác động tới tâm lý nông dân và nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp.
- Hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống người dân khu vực nông thôn.
- Phải tập trung thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính, lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp, ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế; chưa hình thành nhiều các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất còn hạn chế.
- Diện tích, dân số lớn, đơn vị hành chính nhiều, việc tập trung lãnh đạo chỉ đạo khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, lực lượng lao động qua đào tạo còn thấp.
- Đô thị lớn, tốc độ đô thị hóa cao đặc biệt ở trung tâm phát sinh nhiều vấn đề xã hội và tạo áp lực lên hạ tầng và công tác quản lý nhà nước.
- Đời sống và thu nhập của một số bộ phận nông dân còn thấp; chất lượng các dịch vụ về y tế, giáo dục ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định, có nơi còn diễn biến phức tạp.
Một số kết quả đạt được
Ngay sau khi Trung ương triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Thành ủy đã tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền và ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Các cơ quan thông tin, truyền thông của Thành phố đã chủ động, tích cực, tập trung tuyên truyền sâu, rộng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới Trung ương, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Thông qua việc học tập đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, đã giúp người dân hiểu rõ lợi ích, xác định vai trò chủ thể, trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân, từ chỗ hiểu “xây dựng nông thôn là một dự án của Nhà nước” sang nhận thức “xây dựng nông thôn mới bằng nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực trong dân là chủ yếu”, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, từ đó tham gia tích cực bằng nhiều hình thức, hoạt động cụ thể như: Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa, hiến đất, góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương,...
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ngành Thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới, như: Hội Phụ nữ tổ chức các Hội nghị tọa đàm “Nâng cao hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế tham gia xây dựng nông thôn mới”; “Vai trò của các cấp Hội trong giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới”; hội thi “Phụ nữ Thủ đô ứng xử thanh lịch - văn minh, chung sức xây dựng nông thôn mới…, thí điểm xây dựng mô hình “Chi hội phụ nữ xây dựng nông thôn mới: gắn với hoạt động tài chính vi mô tại xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn;… Hội Nông dân với hội thi “Nông dân đi đầu trong xây dựng nông thôn mới”; Sở Văn hoá và Thể thao với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Có thể khẳng định trong những năm qua, các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở đã tập trung, dồn sức làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình số 02 bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Các huyện đã có nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong sinh hoạt chính trị, học tập nghị quyết chuyên đề từng cơ quan, đơn vị, tuyên truyền lưu động, tổ chức các cuộc tọa đàm chuyên đề về nông thôn mới, phát tờ rơi tuyên truyền, đài truyền thanh của huyện, khẩu hiệu, pano, áp phích. Tổ chức các cuộc tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới trong sinh hoạt cộng đồng khu dân cư (huyện Phúc Thọ, Thanh Trì, Đông Anh…). Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện, xã với nhân dân tại các xã về xây dựng nông thôn mới (huyện Phú Xuyên); thông qua cuộc thi đã lựa chọn được rất nhiều bài thơ, bài hát, tiểu phẩm kịch, chèo có tác dụng tuyên truyền thiết thực cho thực hiện Chương trình số 02… Một số huyện làm tốt như: Đan Phượng, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Thanh Trì, Gia Lâm. Ngoài ra, các huyện còn chủ động tổ chức các lớp tập huấn, tham quan các mô hình xây dựng nông thôn mới trong và ngoài nước để rút kinh nghiệm thực hiện tại địa phương đơn vị.
Công tác tuyên truyền thực sự làm chuyển biến nhận thức trong các cấp chính quyền, đặc biệt là nhân dân về vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới là của nhân dân do nhân dân quyết định, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân, tạo động lực để phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu./.