Giao ban trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các tỉnh thành trên cả nước.

 Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong 3 năm qua được xem là đúng hướng và có kết quả tốt, bước đầu tạo cơ sở để nâng số lượng và chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương, trong giai đoạn đầu của chương trình, nhiều địa phương đã chủ động bố trí ngân sách và huy động các nguồn khác bằng và cao hơn so với nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ để tổ chức hỗ trợ dạy nghề. Trên 61% lao động nông thôn sau khi học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên. Nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới hoặc thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho bản thân và các lao động khác. Ngoài ra, số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá tăng, có nhiều hộ làm giàu (có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm). Bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện  xây dựng nông thôn mới. 

 
Tuy nhiên, ngoài những hiệu quả bước đầu công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế; thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới. Một số nơi, dạy nghề còn chạy theo số lượng; chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động… Cả nước chỉ có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 687 xã chưa có Ban chỉ đạo. Cá biệt, 3 tỉnh Lai Châu, Bình Định, Đắk Nông không thành lập Ban chỉ đạo cấp xã ở tất cả các xã. Các tỉnh Hưng Yên, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu không có cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn huyện. Có đến 5 địa phương đạt tỷ lệ lao động nông thôn học nghề có việc làm dưới 70% như: Yên Bái 16%, Ninh Bình 56% và TP HCM 66%. 
 
Riêng Hà Nội, cuối năm 2012, toàn thành phố có 276 cơ sở dạy nghề, trong đó có 66,7% cơ sở tư thục. Thành phố cũng đã đầu tư 21 tỷ đồng nâng cao năng lực cho 7 Trung tâm dạy nghề cấp huyện gồm: Ứng Hòa, Mê Linh, Hoài Đức, Thanh Trì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Gia Lâm. Trong 3 năm, thành phố đã đầu tư 39 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các trường dạy nghề công lập (ngân sách Nhà nước 35 tỷ đồng). Theo điều tra tại các huyện, hiện nay, con số lao động nông thôn có nhu cầu học nghề lên tới 131.185/2.129.469 người. Do đó, thành phố đã triển khai nhiều mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn như: mô hình may công nghiệp tổ chức dạy nghề cho 5614 người, lương thu nhập bình quân sau đào tạo đạt 2 - 3 triệu đồng; mô hình dạy nghề nhằm phát triển nghề mới (nghề trồng nấm) đào tạo nghề cho 1.334 lao động, mô hình đã mang lại thu nhập cao cho nhân dân (3 tạ rơm thu được 1 - 2 triệu đồng). Ngoài ra, còn nhiều mô hình khác như mô hình chăn nuôi gia súc, nghề thú y… Trong năm 2013, Thành phố phấn đấu hỗ trợ dạy nghề cho 39.525 lao động nông thôn. Tập trung đào tạo các nghề quản trị, quản lý (quản lý tài nguyên rừng, quản lý khai thác các công trình khuyến nông), sinh học nông nghiệp (vi nhân giống các loài hoa, vi nhân giống cây lâm nghiệp), sản xuất - chế biến, lâm nghiệp, thủy sản… bên cạnh đó đào tạo bồi dưỡng cho 7.426 cán bộ công chức cấp xã. 
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh, kết quả đạt được trong 3 năm qua cho thấy chương trình đã đi đúng hướng đem lại hiệu quả kinh tế cho xã hội. Tuy 63 tỉnh thành đã thành lập Ban chỉ đạo song cần sớm được khắc phục một số điểm không có Ban chỉ đạo cấp xã ở tất cả các xã. Một trong những nét mới hướng tới việc chuẩn hóa đào tạo nghề, là tài sản quý của giai đoạn 3 năm qua, đó là việc 63 tỉnh thành đã xây dựng và phê duyệt danh mục đào tạo nghề. 12.214 giáo viên cơ hữu tham gia dạy nghề cho nông thôn, trong đó có tới 11.379 người không phải là giáo viên mà là những thợ cả, nông dân giỏi. Nhiều nông dân đã được học, làm nghề và thoát nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh đến vấn đề bố trí cán bộ chuyên trách. Hiện, chỉ có 382/663 huyện bố trí được, đạt tỷ lệ 58%. Đây là chỉ số đạt thấp nhất trong các con số đầu vào của chương trình. Việc bám chắc phương châm đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội một số nơi chưa tốt. Tổng kinh phí đầu tư chưa nhiều, chi cố định cao trong khi chi thường xuyên còn thấp. Sự quan tâm của một số lãnh đạo địa phương chưa đủ. Hà Nội và 3 tỉnh thành khác vẫn chưa tổng kết ba năm thực hiện. 10 tỉnh không nắm được người lao động được học nghề gì…
 
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, dạy nghề cho lao động nông thôn chính là giải pháp quan trọng để xây dựng nông thôn mới vì chỉ tiêu nâng cao thu nhập là chỉ tiêu quan trọng và khó nhất của chương trình này. Vì thế, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung khắc phục những hạn chế cho 6 chỉ tiêu đầu vào của chương trình. Cần triển khai quyết liệt đào tạo gắn với sản xuất, luôn nhấn mạnh yếu tố thực hành với đào tạo; gắn đào tạo với có việc làm, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ công chức xã…
 
HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 2667
Tổng lượng truy cập: 22313801