Cần phát huy hơn nữa hiệu quả hỗ trợ của thành phố đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Chiều 6/6, Thường trực HĐND TP đã làm việc với UBND TP sau khi kết thúc đợt giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 03/2010 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030 và Nghị quyết số 04/2012 của HĐND thành phố về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016. Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chủ trì buổi làm việc.

 Theo kết quả giám sát, qua gần 3 năm thực hiện, công tác xây dựng nông thôn mới trên toàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả: 401/401 xã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong đó 236 xã (tỷ lệ 59%) đạt và cơ bản đạt từ 10 - 19 tiêu chí. Tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 57,8% lên 95%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 12 triệu đồng/người năm 2009 lên 21 triệu đồng/người năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,27% xuống còn 5,1%.

Đến thời điểm giám sát, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đạt 75%; trạm y tế được kiên cố hóa đạt chuẩn quốc gia trên 97% theo chuẩn cũ và đạt khoảng 30% theo chuẩn mới; tỷ lệ thôn xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa - thể thao đạt 45%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai rộng khắp, nhiều xã đã làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, tang, lễ hội. Tính đến hết năm 2012, kinh phí đầu tư cho nông thôn mới toàn thành phố là hơn 13 ngàn tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn huy động. Đối với Nghị quyết số 04 về xây dựng hạ tầng, chính sách khuyến khích hỗ trợ dồn điền đổi thửa được triển khai trên diện rộng và phát huy tác động rất tích cực. Tính đến hết năm 2012, toàn thành phố đã dồn được hơn 35.000 ha, đạt hơn 183% kế hoạch. Bên cạnh đó, thành phố đã hỗ trợ 100% tiền mua vật tư xây dựng kiên cố hóa đường giao thông ngõ, xóm, xây dựng kênh mương nội đồng cho các địa phương, góp phần sớm hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
 
Tuy nhiên, trong quá trình giám sát, HĐND TP đã xác định được những tồn tại, hạn chế: tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới còn chậm so với mục tiêu, kế hoạch đề ra. Nếu không có biện pháp chỉ đạo quyết liệt thì khả năng đến năm 2015 khó có thể đạt được chỉ tiêu 140/160 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nguồn vốn thiếu, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (chiếm 87,4%), vốn huy động từ người dân và doanh nghiệp rất thấp (3-5%). Ngân sách cấp huyện và xã không đủ ứng vốn theo đề án. Một số địa phương kêu gọi doanh nghiệp ứng vốn thi công dẫn dến nợ xây dựng cơ bản (xã Thuỵ Hương: 51 tỷ) hoặc thi công kéo dài. Nhiều huyện có “đất sạch”, đã được đầu tư ha tầng nhưng không tổ chức đấu giá được.
 
Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch xã nông thôn mới mặc dù hoàn thành sớm nhưng vẫn còn một số nội dung trong quy hoạch chưa sát với tình hình kinh tế - xã hội địa phương và lạc hậu so với quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, lĩnh vực của thành phố. Chính vì vậy, hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng mặc dù được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cơ giới hóa. Quy mô sản xuất, quy mô ruộng đất cơ bản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều khu sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, mới bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất như: cam Canh, bưởi Diễn, bò sữa Ba Vì…

Cũng tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, quận, huyện cũng nêu ra một số tồn tại và đưa ra giải pháp. Đại diện Sở Tài Chính cho biết trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc thực hiện các chương trình trong nông nghiệp, nông thôn cần tập trung vào những dự án cấp bách tránh dàn trải, đặc biệt cần đầu tư hình thức gián tiếp như: hướng dẫn, tập huấn thăm mô hình mẫu, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản. Còn theo ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn: sau thành công về dồn điền đổi thửa, thành phố cần có chính sách ưu tiên cấp vốn cho công tác quản lý đất đai, cấp giấy tờ quản lý đất để người dân yên tâm sản xuất lâu dài. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần quan tâm đến việc lập quy hoạch, phải có sự thống nhất giữa quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch từ thành phố xuống huyện, tránh tình trạng “quy hoạch ngược”. Đóng góp cho báo cáo giải trình của UBND thành phố, Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng, việc xây dựng NTM, nâng cao đời sống phải đi vào thực chất, tránh chạy theo các tiêu chí, hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc phát động tuyên truyền xây dựng NTM không nên chỉ ở cơ sở, cấp xã, huyện mà các sở, ngành của thành phố cũng cần vào cuộc.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, trong thời gian qua, thành phố đã thực hiện đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết, đặc biệt, việc huy động các cơ chế, nguồn lực để đầu tư vào xây dựng nông thôn mới. Nhiều chính sách khuyến khích đã phát huy hiệu quả, huy động được các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn chưa hấp dẫn và hiệu qủa; Việc chuyển dịch mô hình sản xuất tập trung, mô hình dồn điền đổi thửa đạt năng suất chất lượng, những mô hình sau dồn điền đổi thửa vẫn chậm, không nhân rộng ra được các mô hình; Hạ tầng nhiều mảng còn thấp kém như giao thông, vấn đề thu gom rác thải, nước thải tồn đọng, nước sạch nông thôn (theo báo cáo hơn 60% là hợp vệ sinh, hơn 30% là nước sạch nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc). Sự khan hiếm về nguồn lực là một nguyên nhân khách quan, mặc dù TP đã hết sức quan tâm và phân bổ một tỷ lệ ngân sách cao cho khu vực nông nghiệp nông thôn. Cơ chế chính sách vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế và bất cập. Nguyên nhân chủ quan là nhận thức về chủ trương chưa đầy đủ, khoa học; tư tưởng quá nóng vội, bệnh thành tích...
 
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng đưa ra một số đề xuất như: cần bổ sung việc xây dựng cơ chế chính sách tổng thể cho đầu tư phát triển xây dựng nông nghiệp nông thôn. Trước tiên phải là quan điểm, nhà nước phải tăng cường sự phân bổ nguồn lực của mình cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, phân bổ với vùng khó khăn mức cao hơn. Về cơ chế vận hành: TP ban hành cơ chế chính sách phân bổ nguồn lực cho bên dưới, huyện điều hành và cấp xã phải tổ chức thực hiện.
 
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, trong thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả cán bộ đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Cần ban hành quy chế phối hợp giữa Sở NN & PTNT và các Sở trong xây dựng cơ chế cho nông nghiệp; sớm có hướng dẫn tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xử lý diện tích dôi ra sau dồn điền đổi thửa; Cần điều chỉnh bổ sung trong số 401 quy hoạch nông thôn mới đã đươc duyệt cho phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch huyện; Nhân rộng các mô hình sản xuất điểm, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, gắn với mục tiêu phát triển nông thôn mới.
HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 322
Tổng lượng truy cập: 28255973