Bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Nội gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân trong thành phố, sau hơn 5 năm, bộ mặt nông thôn ở khắp nơi trên địa bàn đã có nhiều sự thay đổi đáng khích lệ.
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, mặc dù gặp nhiều khó khăn song Thành phố vẫn luôn ưu tiên, quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực cho xây dựng NTM. Đội ngũ cán bộ từ Thành phố đến cơ sở đã nỗ lực tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vì thế, nhiều việc tưởng chừng rất khó như dồn điền, đổi thửa, thì đã đạt kết quả rất cao đồng thời xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh lợi ích riêng vì dân, vì nước hiến đất, mở đường, đóng góp tiền của.
Bên cạnh đó, có nhiều địa phương cán bộ cùng người dân người dân kiên trì, bền bỉ, tổ chức họp đi họp lại hàng trăm lần để người dân được bàn thảo một cách kỹ lưỡng và thống nhất cách làm. Những khâu quan trọng và khó nhất trong xây dựng NTM đều được nhân dân đồng thuận cao, đồng thời thể hiện tính công khai, minh bạch và tính chất người dân là chủ thể của chương trình xây dựng NTM.
Sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, thành phố Hà Nội đã đem lại nhiều khởi sắc, kinh tế tiếp tục phát triển, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14,0 triệu đồng năm 2011 lên 28,6 triệu đồng năm 2014 và hết năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm.
Thành phố Hà Nội tự hào là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng NTM với 213/401 xã đạt chuẩn (đạt 53,12%), nếu không tính huyện Từ Liêm có 201/386 xã đạt chuẩn NTM (đạt 52,07%) vượt kế hoạch đề ra đến năm 2015 là 12,07%. Trước khi xây dựng NTM, bình quân mỗi xã chỉ đạt và cơ bản đạt 7 tiêu chí; đến nay bình quân mỗi xã đạt và cơ bản đạt 16,9 tiêu chí. Đây là kết quả đáng phấn khởi, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn tới.
Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thành ủy Hà Nội đã xác định công tác dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân; tạo tiền đề tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nên những vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 76.891,67/76.281,57 ha (đạt 100,8%) một hộ dân trung bình chỉ còn 1-2 ô, thửa, điều này tạo thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm đỡ ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu nên hầu hết người dân nông thôn của Hà Nội rất phấn khởi tin tưởng hơn vào chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố.
Sau dồn điền, đổi thửa đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các huyện cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 20-25%. Đặc biệt diện tích đất dôi dư sau dồn điền, đổi thửa (1.773,78 ha) tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Điều đáng mừng nhất ghi nhận được trong quá trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 là chính quyền và nhân dân thành phố đã đạt được sự đồng thuận cao. Thành phố Hà Nội đã tích cực ban hành cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ chương trình sản xuất nông nghiệp; chương trình hỗ trợ vốn, giống kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; nỗ lực huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ. Thiết chế văn hóa ở nhiều nơi được quan tâm đầu tư. Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát, không có trường phải học 3 ca.
Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; 100% số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được nâng lên cả về chất và lượng. Bản sắc văn hóa được chú trọng giữ gìn và phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn ngày một tăng, gấp gần 2 lần so với năm 2011. Tỷ lệ các hộ có nhà kiên cố và khang trang ngày càng tăng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4 lần so với năm 2011.
Duy trì vững chắc những thành quả
Về những làng quê, nông thôn Hà Nội hôm nay, có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi trên quê hương nghèo khó ngày nào. Chất lượng cuộc sống đã được nâng lên rõ rệt, người dân vui mừng, phấn khởi vì những lợi ích thiết thực mà chương trình xây dựng NTM mang lại. Với những kết quả đã đạt được nổi bật nêu trên, năm 2015 thành phố Hà Nội là một trong 13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào xây dựng NTM; nhân dân và cán bộ của 56 xã và 17 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố dẫn đầu phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy những thành tích đã đạt được, chính quyền thành phố đã nhanh chóng đề ra các kế hoạch để xây dựng NTM tại địa phương nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa. Trong đó xác định mục tiêu giai 2016-2020 sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2020 thành phố có 80% số xã đạt chuẩn NTM trở lên, 100% số huyện, thị xã đạt NTM.
Đoàn Nguyên