Năm 2015, Đan Phượng vinh dự là đơn vị đầu tiên của Thủ đô Hà Nội được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ và nhân dân huyện Đan Phượng mà còn là sự đóng góp hiệu quả vào phong trào xây dựng NTM của toàn Thành phố Hà Nội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trao Bằng công nhận
huyện NTM cho huyện Đan Phượng
Đan Phượng là huyện ven đô nằm phía Tây Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm 20km, diện tích đất tự nhiên 7.735,48 ha, dân số 162.856 người. Trước khi xây dựng NTM, Đan Phượng là một huyện nông nghiệp, qua khảo sát đánh giá các xã, toàn huyện mới đạt bình quân gần 10 tiêu chí, chưa có quy hoạch chung, hạ tầng kỹ thuật còn khó khăn, không đồng bộ; số thu ngân sách hàng năm đạt thấp, đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách Thành phố, trong khi đó nhu cầu đầu tư xây dựng nông thôn mới rất lớn.
Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015, huyện Đan Phượng xác định đây là cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông thôn, là thách thức lớn về vai trò lãnh đạo của đảng bộ trong giai đoạn hiện nay, song đó cũng là thời cơ để cho huyện bứt phá phát triển nhanh. Vì vậy phải tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo và huy động toàn dân tham gia để chương trình thành công.
Trên cơ sở đó, huyện đã xác định việc đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho người dân hiểu rõ vai trò chủ thể, thấy rõ trách nhiệm trong việc xây dựng NTM. Đồng thời, tập trung chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng NTM với phương châm: Đồng bộ, phù hợp tiêu chí, sát với thực tiễn, dân chủ, có tính khả thi cao. Huyện tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn; tổ chức thảo luận và lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân hoàn thiện quy hoạch. Kết thúc năm 2011, các xã đã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM trình UBND huyện phê duyệt.
Trên cơ sở quy hoạch, ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện chỉ đạo các xã đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo động lực cho xây dựng NTM với phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”; “dân làm có sự hỗ trợ của nhà nước”; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Lựa chọn những dự án ưu tiên phù hợp với khả năng kinh phí và nhu cầu của người dân. Các hình thức huy động nguồn lực đa dạng: Nhân dân hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động và kinh phí, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ và những người con xa quê hương đóng góp chung tay xây dựng nông thôn mới.
Để có hạ tầng cho NTM, ngoài hỗ trợ của Thành phố, huyện chủ động khai thác các nguồn thu từ đất (đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất từ các dự án đô thị, thu tiền thuê đất, xử lý đất xen kẹt...) để đầu tư với 02 khâu đột phá là: “Đấu giá quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng” để huy động nguồn lực. Tập trung đầu tư các công trình lớn: đường giao thông, các công trình bảo vệ môi trường, những vấn đề dân sinh bức xúc tạo thế và lực mới cho huyện. Khi UBND Thành phố có Quyết định số 16 ngày 06/7/2012 về hỗ trợ xây dựng hạ tầng NTM. Đan Phượng đã chủ trương vận dụng sáng tạo hỗ trợ trước đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch và đề án xây dựng NTM được phê duyệt, huyện yêu cầu các xã đồng bộ lập các dự án thành phần cải tạo nâng cấp đường làng, ngõ, xóm, đường giao thông nội đồng, phê duyệt để thực hiện. Quá trình lập dự án có sự giám sát của các phòng chức năng. Để tạo động lực và huy động sức đóng góp của nhân dân, huyện chủ trương ứng trước 100% vật liệu chính, nhân dân đóng góp ngày công lao động. Trong hai tháng cuối năm 2012, các xã trong huyện đã cơ bản hoàn thành xây dựng đường làng, ngõ xóm.
Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình, đến nay, 15/15 xã của Đan Phượng đã đạt 19/19 tiêu chí, hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng và nâng cấp tương đối đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn được khởi sắc khang trang, sạch đẹp. Đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 28,8 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 còn 2%.
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện, đồng chí Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho biết, để có được kết quả đó, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình, Đan Phượng luôn xác định công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải đi trước một bước; việc tuyên truyền được đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức phong phú, theo hướng gọn, rõ, sát đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đồng thời, phải phát huy dân chủ, thực hiện việc công khai, minh bạch trong tất cả các khâu, nhất là việc huy động và sử dụng các nguồn lực từ nhân dân, tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã quản lý và tổ chức thực hiện công trình, dự án của Chương trình; Quan tâm đầu tư cho phát triển, chủ động tháo gỡ, giải quyết những vấn đề bức xúc của dân. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của UBND Thành phố.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cũng cho rằng, công tác cán bộ là yếu tố quan trọng quyết định thành công trong xây dựng nông thôn mới, do vậy Đan Phượng đã cử những người nhiệt tình, tâm huyết, có uy tín với cộng đồng cao tham gia. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá về năng lực, phẩm chất cán bộ, nếu đồng chí cán bộ nào không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì kiên quyết phải thay ngay.
Lê Hải