KTĐT - Trong những năm qua, cùng với nhiều tổ chức đoàn thể khác, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn Hà Nội đã tích cực tham gia vào phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều rào cản gây khó khăn cho các hội viên phụ nữ khi tham gia vào
chương trình này.
Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm
Hai năm trở lại đây, trên cơ sở dồn điền đổi thửa, nhiều hội viên phụ nữ xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa có cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất, từ cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng trang trại đa canh. Chị Nguyễn Thị Yến, thôn Phí Trạch, xã Phương Tú chia sẻ, gia đình chị thuê thêm được 2,6 mẫu ruộng xây dựng trang trại VAC, dưới ao nuôi cá trắm, trôi, chép các loại, trên bờ trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn, gà. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình chị thu lãi 230 triệu đồng. Tuy nhiên, theo chị Yến, hiện nay, nhiều chị em phụ nữ muốn chuyển đổi mô hình sản xuất đang gặp khó khăn vì thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất. Đây cũng là điều trăn trở của nhiều hội viên phụ nữ các huyện, thị xã.
Hội viên phụ nữ tham gia mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Kim Quan, huyện Thạch Thất. |
Hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức tham gia xây dựng NTM”, nhiều hội viên phụ nữ đã tích cực vận động gia đình đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả canh tác. Mặc dù vậy, quá trình tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình của chị em gặp không ít khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Chương Mỹ, nhiều mô hình chuyển đổi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các gia đình hội viên phụ nữ. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở một số mô hình chăn nuôi do chất thải chưa được xử lý, gây bức xúc trong Nhân dân. Không những thế, điều mà hiện nay nhiều hội viên phụ nữ băn khoăn là nông sản làm ra gặp khó khăn về tiêu thụ, trong khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp ngày một tăng cao. Đặc biệt, tại nhiều nơi, vai trò của chị em phụ nữ trong xây dựng NTM, nhất là phát triển kinh tế gia đình chưa thực sự được cấp ủy, chính quyền
địa phương quan tâm, tạo điều kiện.
Tháo gỡ khó khăn
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, trong năm qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy. Trong đó, vận động phụ nữ nông thôn tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế nâng cao hiệu quả. Trong năm 2015, một số hội phụ nữ tại các huyện, thị xã đã đăng ký thực hiện các mô hình như sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại Quốc Oai, trồng lúa hữu cơ tại Đồng Phú (Chương Mỹ), sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại Viên Sơn (Sơn Tây), rau trái vụ trong nhà màng tại Phúc Thọ… Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa phương vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao, thu nhập không ổn định. Đặc biệt, ở một vài thôn, xã còn khiếu kiện vượt cấp, thậm chí nông dân bỏ ruộng hoang không sản xuất.
Bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho biết, thực tiễn khẳng định chủ trương dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong xây dựng NTM là hoàn toàn đúng đắn. Bởi vậy, trong thời gian tới, Hội mong muốn sẽ nhận được sự vào cuộc hơn nữa của các ban, ngành TP nhằm tháo gỡ vướng mắc cho hội viên về kinh phí mua cây giống, vật nuôi cũng như quản lý tốt nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường. Từ đó tạo đà cho phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tiếp tục được phụ nữ nông thôn tin tưởng thực hiện.
“Không có phụ nữ thì các huyện, thị xã không thể làm tốt công tác dồn diền đổi thửa cũng như hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Do đó, các địa phương cần tích cực tháo gỡ khó khăn, xóa bỏ các rào cản, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ phát huy vai trò trong xây dựng NTM”. Ông Lê Thiết Cương Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội |
Thiên Tú