Kinh nghiệm từ dồn điền đổi thửa của Ứng Hòa
Thực hiện chủ trương của Thành phố về công tác dồn điền đổi thửa, huyện Ứng Hòa đã tích cực triển khai, đến nay cơ bản hoàn thành được kế hoạch dồn điền đổi thửa. Qua đó, khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, được nhân dân đồng tình, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa.

      Đến nay, tổng diện tích đã dồn được là trên 5 nghìn ha, đạt 93,2% kế hoạch. Tổng khối lượng đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng đã thực hiện trên 2,5 nghìn m3, đắp mới 765km đường giao thông nội đồng, nạo vét và đào mới 83km kênh mương, thực hiện cứng hóa 66,6km kênh mương kết hợp giao thông nội đồng. Sau dồn đổi không còn diện tích đất dôi dư.

     Nhờ làm tốt công tác dồn ô đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng nên việc cơ giới hóa sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả. Cơ cấu giống lúa đã có sự thay đổi rõ rệt, diện tích các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7, Hương thơm, T10, Nàng xuân… được mở rộng, diện tích lúa chất lượng cao bình quân hàng vụ trên 3.500ha. Nhiều giống lúa mới, năng suất cao được đưa vào sản xuất như HTY100, PC6, Gia Lộc 105… đã đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân. Tại các vùng ven Đáy, một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam Canh, bưởi Diễn, chanh đào, táo, chuối tiêu hồng… đã được đưa vào sản xuất thay thế các cây rau màu hiệu quả thấp. Tổng diện tích cây ăn quả ven sông Đáy chuyển từ cây màu sang là 38,3ha tại các xã như Phù Lưu, Đồng Tiến, Sơn Công.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các diện tích trũng, sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang mô hình đa canh, chuyên canh. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 2.800ha, đã hình thành rõ các vùng chuyên chăn nuôi lớn (Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Sơn Công…), vùng chuyên sản xuất đa canh kết hợp lúa - cá - vịt - lợn (Trầm Lộng, Hòa Lâm, Minh Đức…) và vùng chuyên nuôi trồng thủy sản xã Phương Tú, Hòa Lâm, đặc biệt là vùng chuyên nuôi trồng thủy sản xã Trung Tú - Đồng Tân với diện tích 232ha.
      Các trang trại xa khu dân cũng đã được hình thành, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5-2 lần so với trồng lúa. Năm 2014, toàn huyện đã có 143 trang trại theo tiêu chí mới, trong đó có 105 trang trại chăn nuôi, 21 trang trại thủy sản và 17 trang trại tổng hợp. Doanh thu bình quân của các trang trại ước đạt 2,068 tỷ đồng/trang trại/năm.
      Hiệu quả kinh tế sau khi chuyển đổi sang các mô hình thủy sản, đa canh lúa - cá - vịt - lợn - cây ăn quả là rất rõ rệt. Nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ về giống, chăn nuôi các loại giống mới có hiệu quả kinh tế cao như cá chép lai, cá rô phi đơn tính, các loại cá trắm… Sản phẩm đã từng bước có sức cạnh tranh trên thị trường.
      Bên cạnh đó, tại các khu chăn nuôi tập trung, nhiều trang trại chăn nuôi lợn lớn được các hộ chăn nuôi mạnh dạn đầu tư đồng bộ từ thức ăn, thuốc thú y, phòng trừ dịch bệnh, hầm bioga xử lý môi trường… Các HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp đã được thành lập để hỗ trợ nhau trong phát triển giống mới năng suất cao, phòng trừ dịch bệnh, chủ động cung cấp thức ăn, thuốc thú y và đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm thịt.
      Đáng chú ý, việc dồn ô đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa sản xuất, thu hoạch của người dân được thuận lợi. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100% diện tích, với 569 chiếc máy làm đất các loại, khâu phun thuốc trừ sâu đạt 60% diện tích với 970 máy phun thuốc sâu các loại, khâu cấy đã thực hiện mô hình cấy máy, khâu gặt cũng đạt tỷ lệ 60% gặt bằng máy…
     Những kết quả trên cho thấy công tác dồn điền đổi thửa của huyện Ứng Hòa đã được thực hiện tốt, đạt hiệu quả rõ rệt. Chủ tịch UBND huyện Lê Hồng Hà cho biết, có được kết quả đó trước tiên là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, mọi việc làm phải công khai, dân chủ, cán bộ phải tận tâm, tận lực với công việc, vô tư khách quan, nắm chắc quy trình, bước tiến hành và đề xuất tham mưu giải quyết những vướng mắc của nhân dân.
     Một kinh nghiệm cũng hết sức quan trọng là phải thống nhất và tập trung cao sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng ủy, cấp ủy chi bộ. Sự điều hành tập trung, thống nhất, xử lý và giải quyết linh hoạt, kịp thời, đúng nguyên tắc. Phân công rõ trách nhiệm cho các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ, thành viên ủy ban, trưởng các ban ngành đoàn thể, thành viên ban chỉ đạo thực hiện các bước công việc. Phát huy vai trò nòng cốt của các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục, làm cho nhân dân hiểu rõ dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp là mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho chính bản thân và gia đình họ.
     Đồng thời, phải xây dựng phương án dồn điền đổi thửa thực sự khách quan, dân chủ, mọi kiến nghị của người dân đều phải được bàn bạc và đưa ra những giải pháp hợp lý nhất, tránh để người dân bị thiệt thòi, tháo gỡ từng vấn đề, không được nóng vội. Sau khi phương án được thông qua, phải tập trung làm thủy lợi nội đồng, bờ vùng bờ thửa đảm bảo ruộng xa, ruộng gần đều có nước và đảm bảo giao thông thuận lợi.
     Huyện cũng chỉ đạo mỗi vùng chỉ tập trung vào một số cây trồng chủ lực, có thế mạnh của địa phương, có giá trị kinh tế cao đã được người tiêu dùng chấp nhận, gắn với việc xây dựng, quảng bá và khai thác thương hiệu hàng hóa, mở rộng thị trường, áp dụng các hình thức liên kết hợp đồng với nông dân để tạo sự ổn định về thị trường.
     Phát huy những kết quả đạt được, trên cơ sở kinh nghiệm đã tổng hợp được, trong năm 2015, huyện Ứng Hòa tiếp tục hoàn thành dồn điền đổi thửa ở những diện tích còn lại. Chỉ đạo cấp xã hoàn thiện hồ sơ địa chính những diện tích đã dồn đổi để cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau dồn đổi. Tiếp tục chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện sản xuất theo quy hoạch. Duy trì diện tích lúa chất lượng cao hàng vụ đạt trên 35%, mở rộng vùng chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh đạt trên 3.000ha. Huyện cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư máy móc cơ giới hóa trong nông nghiệp như máy gặt đập liên hợp, máy cấy, máy làm đất…

 Hà Quốc

HANOIPORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4258
Tổng lượng truy cập: 28370640