Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao cho huyện Thạch Thất
Những năm qua, nhờ thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống của người dân huyện Thạch Thất đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn dưới 3%. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để Thạch Thất phát huy sức mạnh nội lực phục vụ cho xây dựng nông thôn mới.

 

\"\"
Mô hình khoai tây sạch tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất
 
Những năm trước đây, do sử dụng những giống vật nuôi, cây trồng truyền thống nên năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân chưa cao. Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, UBND huyện Thạch Thất đã lập quy hoạch và tổ chức thực hiện các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất lúa năng suất chất lượng cao với tổng diện tích gieo trồng cả năm 9.605 ha. Để nâng cao hiệu suất sử dụng đất, huyện đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, lựa chọn cây trồng thế mạnh để phát triển kinh tế. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chọn khâu giống làm khâu đột phá với phương châm đi tắt đón đầu đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Huyện đã chủ động làm việc với các cơ quan khoa học nông nghiệp, các trung tâm giống lớn của Trung ương và một số tỉnh để tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật mới, những giống mới phù hợp về gieo trồng trên địa bàn; ký hợp đồng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp với Viện cây lương thực và cây thực phẩm… Năm 2010, giống lúa dài ngày chiếm 65% diện tích gieo cấy, giống lúa ngắn ngày chỉ chiếm 35%, đến năm 2014, diện tích lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng chiếm 95% diện tích gieo cấy.
 
Nhờ làm tốt công tác vận động người dân đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, đến nay, Huyện đã chỉ đạo thành công nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như su hào, cải ngọt trái vụ, khoai tây Đông, Xuân và đu đủ tại các xã Hương Ngải, Dị Nậu. Tiếp tục mở rộng mô hình hoa ly ở xã Đại Đồng, Yên Bình, Bình Yên; nhân rộng mô hình sản xuất hoa lan ở các xã Bình Yên, Hương Ngải cho hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình cây ăn quả như thanh long ruột đỏ từ 6 ha năm 2010 đến năm 2014 đã mở rộng được 30 ha tại các xã Yên Trung, Yên Bình, Lại Thượng, Kim Quan, Bình Yên. Mô hình bưởi da xanh 40 ha đang được triển khai tại xã Yên Bình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Cùng với cây ăn quả, nhiều mô hình trồng cây cảnh, cây bóng mát cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm/hộ ở các xã Thạch Hòa, Đồng Trúc, Đại Đồng, Hạ Bằng, Thạch Xá.
 
Trong chăn nuôi, ngoài các vùng quy hoạch cho chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo quy hoạch nông thôn mới, sau dồn điền đổi thửa đã quy hoạch thêm 92 ha diện tích để thực hiện mô hình chăn nuôi, thả cá, kết hợp trồng cây ăn quả. Đồng thời, đưa nhanh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và giống mới vào sản xuất. Từng bước nâng cao tỷ lệ lợn ngoại, lợn hướng nạc, phát triển chăn nuôi lợn rừng, lợn lửng, gia cầm siêu thịt, siêu trứng, đến năm 2014 cơ bản nạc hóa đàn lợn, sinh hóa được đàn bò, đang triển khai mô hình bò siêu thịt BBB. Đến nay, toàn huyện có 52 trang trại chăn nuôi, 115 mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình chăn nuôi, thủy sản ở các xã Đại Đồng, Hương Ngải, Phú Kim, Dị Nậu, Tiến Xuân, Hạ Bằng. Các trang trại và mô hình chuyển đổi do áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nên hiệu quả đạt khá cao, giá trị thu nhập từ 200 - 220 triệu/ha, nhiều trang trại, mô hình đạt từ 230 - 350 triệu/ha/năm. Đặc biệt, trang trại lợn rừng chăn thả tự nhiên đảm bảo an toàn sinh học tại xã Yên Bình với quy mô trên 10.000 con cho thu nhập từ 15 - 16 tỷ đồng/năm, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động trong xã. Mô hình nuôi lợn rừng đã và đang được nhân rộng ở các xã Yên Bình, Tiến Xuân, Yên Trung, Đại Đồng. 
 
Cùng với việc đầu tư vào công nghệ giống và các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, UBND huyện đã trích ngân sách để đầu tư hỗ trợ cho các địa phương đưa nhanh cơ giới hóa nông nghiệp vào trong sản xuất năm 2012 - 2013; vụ Xuân năm 2014 huyện tiếp tục cấp 1,2 tỷ đồng để hỗ trợ các xã mua máy làm đất, 01 máy gieo hạt tự động, 01 máy cấy và 13.750 khay gieo mạ. Đến nay, toàn huyện có 450 máy làm đất các loại, 02 kho lạnh bảo quản nông sản, 05 máy máy gặt các loại, 244 máy tuốt lúa, 03 máy cấy, 58 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 02 máy gieo hạt tự động làm mạ khay và 18.000 khay gieo mạ. Qua đó, đã nâng tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp từ 37% năm 2010 lên 80% năm 2014, trong đó cơ giới hóa làm đất đạt trên 96% diện tích đã góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
Với việc tận dụng lợi thế, tranh thủ các dự án hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho nông dân, nhiều hộ dân ở Thạch Thất đã tạo được kinh tế ổn định từng bước vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân trong huyện đạt trên 28 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%. Như vậy, có thể khẳng định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những cách làm hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần xóa - đói giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của mình. 

 
 
HANOIPORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 2470
Tổng lượng truy cập: 22162636