Xã Đại Hưng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, tiếp tục bắt tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Chùy báo cáo: Đại Hưng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo; y tế. Kết quả, Đại Hưng đã có 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia; trong đó, Trường THCS của xã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3; trung tâm học tập cộng đồng của xã xếp loại tốt.
Đại Hưng cũng có mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền… Đối với lĩnh vực y tế, Trạm Y tế xã Đại Hưng đã được đầu tư xây dựng mới với diện tích gần 2.100m2, được hoàn thành và dự kiến đi vào sử dụng 12/2024. Trạm có đầy đủ cơ sở vật chất, các phòng chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tính từ tháng 5-2023 đến tháng 10-2024, trạm đã khám, chữa bệnh cho gần 4.000 lượt người.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Hà Xá, xã Đại Hưng cho biết: Nhân dân trong thôn đã xã hội hóa đường cây, đường hoa, đường cờ, làm đẹp các tuyến đường. Ngoài ra, nhân dân và doanh nghiệp còn chung sức xây dựng, tu tạo các công trình tâm linh khang trang. Tuy vậy, nhân dân vẫn mong muốn được các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để những năm tiếp theo, sản xuất nông nghiệp của xã chuyển đổi sang hữu cơ, sạch, có giá trị kinh tế cao.
Đại diện nhân dân phát biểu ý kiến tại hội nghị thẩm định 3 xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu của huyện Mỹ Đức ngày 14-12. Ảnh: Minh Phú
Tại các xã: Hợp Tiến và Hợp Thanh, sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân liên tục đổi thay. Đến nay, các xã đều không còn hộ nghèo. Năm 2024, thu nhập bình quân tại 2 xã đều đạt hơn 74 triệu đồng/người, tăng từ 20,4 đến 22,8 triệu đồng so với năm 2021. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Đại diện nhân dân xã Hợp Thanh, ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Chi bộ thôn Thọ cho hay, Hợp Thanh có dân số đông thứ 2 của huyện, lại có đông đồng bào Công giáo và Lương giáo sống đan xen, nhưng nhân dân rất đoàn kết. Thôn đã huy động được nguồn lực rất lớn từ nhân dân đóng góp cho quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Còn ông Nguyễn Văn Đắc, Bí thư Chi bộ thôn Phú La, xã Hợp Tiến bày tỏ mong muốn được Nhà nước đầu tư xây dựng thêm trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt để môi trường được tốt hơn.
Hội nghị thẩm định tại 3 xã: Đại Hưng, Hợp Tiến và Hợp Thanh. Ảnh: Minh Phú
Kết luận hội nghị, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định của thành phố đề nghị huyện Mỹ Đức và các xã tiếp tục quan tâm, nhân dân vào cuộc nâng cao chất lượng các tiêu chí. "Hiện thành phố Hà Nội định hướng xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị, đề nghị các xã tính toán đầu tư xây dựng nông thôn với tầm nhìn dài, cho hôm nay và mai sau. Trong quy hoạch và xây dựng, chú trọng mở đường đủ lớn, ô tô đi lại thuận lợi, bởi hiện nay rất nhiều gia đình ở nông thôn đã mua sắm được ô tô, phát triển kinh tế", ông Ngọ Văn Ngôn gợi mở.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai đề nghị các xã nghiêm túc tiếp thu góp ý của Đoàn thẩm định thành phố để hoàn thiện báo cáo tốt nhất.
Trước đó, ngày 13-11, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã thẩm định 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu là: An Mỹ, Lê Thanh, Phù Lưu Tế và 1 xã nông thôn mới nâng cao là Thượng Lâm. Như vậy, năm 2024, huyện Mỹ Đức đã có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt mục tiêu huyện đề ra và thành phố giao.