Qua đó, tăng sự uy tín chất lượng của các sản phẩm đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Sảm phẩm đậu phụ của xã Võng La (huyện Đông Anh) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Đình Tường
Từ lâu, xã Võng La (huyện Đông Anh) nổi tiếng với nghề làm đậu phụ. Để gìn giữ và phát triển sản phẩm đậu phụ của làng nghề truyền thống, từ năm 2019, Hợp tác xã Thanh niên Võng La được thành lập để phát triển sản phẩm đậu phụ trên thị trường Thủ đô.
Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Võng La Phan Văn Đạt chia sẻ, hợp tác xã thành lập với mong muốn tiếp tục giữ gìn bản sắc làng nghề truyền thống của ông cha để lại; đồng thời tạo thêm việc làm cho lao động trên địa bàn xã, nhất là thanh niên. Quy trình sản xuất đậu phụ được hợp tác xã cải tiến, có sự giao thoa giữa kỹ thuật truyền thống và công nghệ. Những hạt đậu tương đồng đều, vỏ mỏng vàng, nhẵn bóng được lựa chọn kỹ lưỡng, phơi khô giòn, ngâm nước đến độ ẩm 55-60%, rồi đem xay. Đến nay, hợp tác xã có 3 sản phẩm đậu chính, là: Đậu phụ trắng, đậu phụ nướng và đậu phụ nhân cháy. Cả 3 sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, cung cấp cho nhiều siêu thị, nhà hàng… trên địa bàn Hà Nội.
Còn làng nghề gỗ Thiết Úng, xã Vân Hà (huyện Đông Anh) được coi là cái nôi của nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ và tạc tượng, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm 3-4 sao. Bà Đào Thị Thanh Vân (thôn Thiết Úng, xã Vân Hà) cho hay, gia đình bà có 25 năm làm nghề sản xuất đồ gỗ. Nhờ được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao nên đồ gỗ của gia đình bà đã xuất khẩu sang một số quốc gia.
Đó là hai trong số rất nhiều sản phẩm làng nghề của huyện Đông Anh đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3-4 sao. Theo thống kê của huyện Đông Anh, toàn huyện hiện có 146 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và nâng cấp, trong đó có 60 sản phẩm 4 sao, 86 sản phẩm 3 sao, chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm, thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm OCOP của huyện Đông Anh đã được các cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại tín nhiệm đặt hàng.
Chủ tịch UBND xã Vân Hà Đỗ Thị Hảo thông tin, số chủ thể có sản phẩm OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận là 46%, doanh thu bán hàng tăng bình quân 29,7% và sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên chiếm 50,43%, mức tăng giá bình quân là 17,5%.
Đáng chú ý, huyện Đông Anh luôn chú trọng đến công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP làng nghề. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, cùng với việc kết nối cung cầu sản phẩm tại địa chỉ: http://da.check.net.vn, huyện Đông Anh còn hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với 100% các sản phẩm, sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Hiện tại, toàn huyện đã có 710 sản phẩm đăng ký mã QR trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản (check.net.vn), xây dựng thành công thương hiệu, nhãn hiệu cho nhiều sản phẩm. Trong 6 năm qua, huyện Đông Anh đã chi hơn 11 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức kinh tế, chủ thể phát triển sản phẩm OCOP mới, nâng cấp sản phẩm đã có, hoàn thiện quy trình từ sản xuất đến phân phối, kể cả tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm.
Ngoài ra, để hỗ trợ các sản phẩm OCOP làng nghề xây dựng thương hiệu, huyện Đông Anh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP đăng ký bảo hộ, quản lý hoạt động liên quan đến truy xuất nguồn gốc, giúp minh bạch thông tin sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng về quy trình sản xuất, ngày thu hoạch và hạn sử dụng... Huyện Đông Anh phấn đấu đến hết năm 2025, toàn bộ 24 xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP.
“Huyện sẽ hỗ trợ các chủ thể tham gia cuộc bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; phát triển các trung tâm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện hỗ trợ đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu đối với các sản phẩm OCOP cho các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể OCOP; tăng cường tập huấn, hướng dẫn về sở hữu trí tuệ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước của huyện, xã, thị trấn và các chủ thể OCOP”, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng khẳng định.