Tranh thủ lợi thế, phát triển sản phẩm
Ở xã Nam Sơn, bà Mai Thị Dần đã gần 80 tuổi nhưng vẫn say mê với sản xuất nông nghiệp. Hiện gia đình bà Dần có khoảng 6ha trồng nhiều loại cây dược liệu và cây ăn quả như trà hoa vàng, bưởi, đu đủ... Bên cạnh đó, bà Dần còn nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Sản phẩm “Đông trùng hạ thảo Hoa Sơn Viên” đã được công nhận OCOP 3 sao của thành phố. Năm 2024, bà Dần đã nộp hồ sơ để đánh giá, phân hạng OCOP sản phẩm trà hoa vàng.
Ngoài hộ bà Mai Thị Dần, ở xã Nam Sơn còn có nhiều sản phẩm OCOP khác. Anh Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Nam Sơn cho biết, nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, trời phú cho khí hậu và thổ nhưỡng ở xã Nam Sơn rất phù hợp với cây ăn quả. Chuối tiêu hồng trồng ở Nam Sơn không những ngọt mà còn thơm đậm; đu đủ vừa ngọt vừa có mã đẹp.
Với lợi thế đó, từ năm 2020, Hợp tác xã đã chọn 2 sản phẩm chuối và đu đủ dự thi đánh giá, phân hạng OCOP, được chứng nhận 4 sao và 3 sao. “Về chuối, mỗi sào chúng tôi trồng 65 gốc. Mỗi buồng chuối nếu thu vào đúng dịp tết có giá 300 nghìn đến 500 nghìn đồng/buồng. Nếu thu vào ngày thường cũng bán được 6.000 đồng/kg, bình quân mỗi buồng chuối khoảng 20 - 25kg là được 120 - 125 nghìn đồng. Từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, chuối và đu đủ của xã được thành phố, huyện hỗ trợ về tem nhãn và xúc tiến thương mại nên sản phẩm thường không đủ hàng để bán” - anh Nguyễn Văn Việt nói.
Trao đổi với phóng viên Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Ngọc Oanh cho biết: “Xã có địa thế đồi gò nên rất thuận lợi cho sản xuất cây ăn quả, cây dược liệu. Tuy vậy, muốn nâng cao giá trị nông nghiệp thì phải xây dựng các vùng sản xuất theo quy trình kỹ thuật an toàn, có thương hiệu. Do đó, xã Nam Sơn đã sớm lựa chọn các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP và đã có 5 sản phẩm, gồm chuối, đu đủ, mật ong, nấm đông trùng hạ thảo và quả phúc bồn tử được chứng nhận. Từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp của xã được nâng cấp toàn diện”.
Gần với Nam Sơn, xã Bắc Sơn cũng là vùng đồi gò, có diện tích trồng chè lớn. Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm Bắc Sơn Đào Thị Quý cho biết, đơn vị đang có hơn 100ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Được sự hỗ trợ của các sở, ngành, chất lượng sản phẩm chè của hợp tác xã không ngừng được nâng cao. Sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” và sản phẩm “Trà Bắc Sơn” đã được thành phố đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao. Đó là tiền đề để sản phẩm chè Bắc Sơn tạo được chỗ đứng trên thị trường, cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, Sóc Sơn hiện có hơn 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 4.500ha đất lâm nghiệp; hơn 110 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động nhiều ngành nghề, loại hình; hơn 3.440 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 2 làng nghề truyền thống... Đây là tiềm năng lớn để huyện phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, qua đó đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Tính đến hết quý III/2024, huyện Sóc Sơn đã xây dựng được 125 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 - 4 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện đã khẳng định uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Một số sản phẩm OCOP 4 sao có doanh thu tăng trung bình 20%/năm so với trước đó; có sản phẩm tăng tới 50 - 70%, như tranh gạo Vân Quân, giò chả Chín Tráng Tân Dân, mật ong hoa rừng Cô Nụ Phù Linh...
Hỗ trợ, đồng hành cùng chủ thể
Có thể nói, rất nhiều địa phương có sản phẩm chủ lực nhưng không phải địa phương nào cũng xây dựng được thành các sản phẩm OCOP. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Ngọc Oanh, để có kết quả cao, từ sớm xã đã tuyên truyền cho các hộ dân muốn sản phẩm đứng vững được trên thị trường thì phải xây dựng được thương hiệu. Chính vì vậy, khi xã hỗ trợ các hộ dân xây dựng sản phẩm OCOP, các hộ đều đồng thuận tham gia. Năm 2024, xã Nam Sơn tiếp tục rà soát các sản phẩm lợi thế và đã chọn thêm sản phẩm mì gạo để hỗ trợ tham gia đánh giá, phân hạng OCOP.
Để triển khai sâu rộng Chương trình OCOP, huyện Sóc Sơn đã có nhiều hình thức hỗ trợ các chủ thể. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà: Triển khai Chương trình OCOP, từ năm 2020 đến nay, huyện Sóc Sơn đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức đào tạo, tập huấn cho hơn 500 lượt cán bộ xã, thị trấn, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ chi phí tư vấn hồ sơ minh chứng, thiết kế bao bì, tem nhãn sản phẩm và các chương trình marketing sản phẩm. Các chủ thể có sản phẩm cũng được huyện kết nối tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử, như http://socsonshop.com và fanpage “SS.Shopping” trên mạng xã hội Facebook...
Năm 2024, huyện đã hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ 50 chủ thể thay đổi tư duy, cách thức phát triển sản phẩm trong tình hình mới; hỗ trợ tạo điều kiện phát triển thêm 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nâng số điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là 9 điểm nhằm không ngừng quảng bá, phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đặc biệt, Phòng Kinh tế huyện đã hỗ trợ Hợp tác xã Dược liệu Hòa Phát (xã Xuân Giang) và Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (xã Bắc Sơn) hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP chất lượng cao như trà ướp sen, trà thảo mộc, trà ướp hoa, trà hoa vàng Hakoda và nước xì dầu 2S đậu đen - ngưu bàng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, để phát triển 200 sản phẩm OCOP vào năm 2025 và xây dựng được Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, huyện Sóc Sơn đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, người dân và các chủ thể. Cùng với đó, huyện tiếp tục phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội và các sở, ngành của thành phố đưa sản phẩm OCOP của địa phương tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Huyện cũng phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội mở thêm nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; kết nối đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại điện tử và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó tạo động lực, thu hút các chủ thể đồng hành cùng Chương trình OCOP của huyện.
Riêng từ nay đến hết năm 2024, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, phát triển thêm từ 2 - 3 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Huyện sẽ tăng cường thực hiện các chương trình hướng dẫn, đào tạo các chủ thể các kỹ năng marketing, phát triển sản phẩm nhằm thay đổi tư duy, cách làm phù hợp với sự phát triển của thị trường.