Thời gian tới, huyện Mỹ Đức đẩy mạnh công tác quy hoạch đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu để nâng hạng sản phẩm OCOP.
Mỹ Đức từng được coi là “thủ phủ” của nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Vì nhiều nguyên nhân, nghề truyền thống này dần bị thu hẹp. Triển khai Chương trình OCOP, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa tại Mỹ Đức bắt đầu hồi sinh ở một số địa phương, như: Phù Lưu Tế, Phùng Xá, Đốc Tín, Đại Hưng, Hùng Tiến...
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức Lê Vân Nam cho biết, hiện công ty có hơn 90% sản phẩm OCOP làm từ tơ tằm, gần 10% sản phẩm làm từ tơ sen. Từ khi các sản phẩm OCOP của công ty được đánh giá, xếp hạng, nhu cầu về nguyên liệu tơ tằm tăng lên. Để có đủ nguyên liệu làm ra sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu của thị trường, công ty liên kết với người dân các xã: Phù Lưu Tế, Đốc Tín, Đại Hưng, Hùng Tiến... mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm lên 30 mẫu. Ngoài phát triển vùng nguyên liệu, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã không ngừng sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm OCOP độc đáo, trong đó, sản phẩm chăn tơ tằm tự dệt đã được cấp bằng sáng tạo độc quyền cấp quốc gia...
Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Đỗ Đức Trường cho hay, toàn xã hiện có khoảng 1.700 hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt tơ lụa... Nghề đã tạo việc làm cho 4.500 lao động trên địa bàn và khoảng 2.000 lao động vùng lân cận. Giá trị kinh tế làng nghề chiếm hơn 70% cơ cấu kinh tế toàn xã... Các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở Phùng Xá rất tích cực tham gia Chương trình OCOP, nhằm xây dựng thương hiệu, quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm...
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Mỹ Đức, đến thời điểm này, toàn huyện đã có 57 sản phẩm OCOP; trong đó có 22 sản phẩm OCOP 4 sao và 32 sản phẩm OCOP 3 sao. Đặc biệt, sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá xếp hạng 5 sao; hai sản phẩm: Khăn lụa tơ sen và khăn lụa tơ tằm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức có tiềm năng đạt 5 sao…
Sau khi được gắn sao, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Mỹ Đức có tốc độ phát triển mạnh, như: Khăn tơ tằm, khăn tơ sen của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, nấm kim châm của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất KinoKo Thanh Cao, rượu mơ Trịnh Bình An... Các chủ thể trên địa bàn huyện thường xuyên được tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài thành phố, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ...
Huyện Mỹ Đức đặt mục tiêu mỗi năm có thêm 5-10 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn thông tin, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Chương trình OCOP; hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xây dựng điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến. Đồng thời, khuyến khích người dân ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, như VietGAP, GlobalGAP...; xây dựng mã số vùng trồng tạo thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Huyện Mỹ Đức cũng đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ địa phương công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử các sản phẩm OCOP trên địa bàn để tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng...
Thực tế cho thấy, việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp chủ thể sản phẩm OCOP kiểm soát được chất lượng nguyên liệu, giảm giá thành, mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm... Vì vậy, huyện Mỹ Đức cần chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch đất đai, xây dựng các vùng nguyên liệu, nếu muốn phát triển sản phẩm, nâng hạng các sản phẩm OCOP trong thời gian tới...