Chương Mỹ giải bài toán nguyên liệu cho sản phẩm OCOP
Chương Mỹ là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống. Đây là tiềm năng rất lớn để huyện khai thác lợi thế phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Tuy nhiên, vấn đề nguyên liệu sản xuất của một số nhóm ngành như mây, tre đan vẫn còn những khó khăn. Vì thế, việc chủ động nguồn nguyên liệu cho phát triển sản phẩm là một trong những giải pháp trọng tâm đã và đang được huyện thực hiện quyết liệt.

 

Nhiều sản phẩm mây, tre, giang đan của huyện Chương Mỹ đã được đánh giá, phân hạng OCOP.

Phát huy lợi thế địa phương

Từng tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Mây Việt (thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho biết, những năm trước, công ty có 10 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Sản phẩm mây, tre đan đạt chứng nhận OCOP có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú, giúp doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội quảng bá rộng rãi tại thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng tầm thương hiệu sản phẩm. Hiện tại, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, được du khách quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…) ưa chuộng. Cuối năm 2023, công ty tiếp tục tham gia đánh giá 2 sản phẩm là bàn trà đan mây, mâm sâu mây guột và đã được công nhận OCOP.

Còn theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hiệp hội Mây tre đan Phú Vinh - xã Phú Nghĩa, ở thôn Phú Vinh có hàng trăm hộ làm nghề mây, tre đan dưới hình thức các tổ hợp, cơ sở sản xuất, công ty trách nhiệm hữu hạn... Đáp ứng nhu cầu của thị trường, các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề đã không ngừng sáng tạo mẫu mã sản phẩm mới, có giá trị sử dụng và tính thẩm mỹ cao, được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Trong đó có nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP và đã đạt sản phẩm OCOP 3-4 sao.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái thông tin, trên địa bàn huyện hiện có 35 làng đã được UBND thành phố công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống; trong đó có tới 27 làng nghề mây, tre đan xuất khẩu. Ngoài ra, huyện có 4 làng nghề sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, 1 làng nghề sản xuất nón lá, 1 làng nghề điêu khắc đá, 1 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm và 1 làng nghề thêu. Đây là lợi thế rất lớn để các địa phương phát triển sản phẩm OCOP. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 183 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, tập trung ở 21/32 xã, thị trấn. Trong số các sản phẩm được công nhận, có 80 sản phẩm thuộc nhóm hàng thủ công mỹ nghệ. Cuối tháng 9 vừa qua, huyện Chương Mỹ tiếp tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1 của năm 2024 và đã có thêm 23 sản phẩm bảo đảm các tiêu chí, đang chờ được công nhận.

Xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững

Trong số các làng nghề được công nhận của huyện Chương Mỹ, xã Phú Nghĩa có 7 làng nghề mây, tre đan; xã Đông Phương Yên có 6 làng nghề mây, tre đan; xã Trường Yên có 2 làng nghề mộc mỹ nghệ và mây, tre đan; xã Lam Điền có 1 làng nghề mây, tre đan… Việc các hộ sản xuất tham gia vào Chương trình OCOP không những góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề, mà còn đẩy mạnh tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng.

Các làng nghề mây, tre đan có nhiều lợi thế để phát triển, song ngành sản xuất này trên địa bàn huyện Chương Mỹ hiện phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là về nguyên liệu. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung cho biết: “Trước đây, các loại mây, song phục vụ sản xuất có thể mua dễ dàng từ các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng hiện nay nguồn cung từ vùng này bị thiếu hụt nghiêm trọng, chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu từ Lào, Campuchia, Indonesia…, nên chi phí sản xuất bị đẩy lên cao và không chủ động được nguồn nguyên liệu”.

Theo Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, toàn huyện hiện có 142 đơn vị tổ hợp, hợp tác xã, doanh nghiệp của 32 xã, thị trấn chuyên sản xuất các mặt hàng mây, tre, lá, cỏ. Mỗi năm các đơn vị này tiêu thụ khoảng 600 tấn mây; 700 tấn song; 500 nghìn cây tre, nứa, giang; 100 nghìn cây trúc; 500 tấn cỏ tế. Hiện nguồn nguyên liệu đang ngày một thiếu hụt, trong khi đó giá bán sản phẩm bị khống chế bởi các nhà nhập khẩu, nên thu nhập từ nghề mây, tre đan thấp.

Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nguyên liệu, những hộ sản xuất mây, tre, giang đan huyện Chương Mỹ đang hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, chế biến, xử lý nguyên liệu từ các loại cây đu đủ, mướp, chuối. Các nghệ nhân, thợ giỏi đã nghiên cứu, sáng tạo mẫu mã từ các loại vật liệu trên để tạo ra sản phẩm thủ công bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật cho xuất khẩu và bước đầu được khách hàng đón nhận. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu xử lý bài toán thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất mây, tre, giang đan hiện nay.

Tuy nhiên, Hà Nội rất khó có nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các làng nghề. Do vậy, về lâu dài, các làng nghề mây, tre đan mong muốn thành phố và huyện Chương Mỹ hỗ trợ liên kết với các tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, dài lâu để phục vụ sản xuất.

Nguồn Báo Hà Nội Mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 17998
Tổng lượng truy cập: 24620604