Gia Lâm: Vươn lên mạnh mẽ từ nền tảng vững chắc
Với quyết tâm cao trong xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, đến hết năm 2023, huyện Gia Lâm có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đáp ứng đủ 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao.

Đó là kết quả của sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm, giúp bộ mặt nông thôn mới của huyện đang dần hiện hữu một dáng vóc đô thị văn minh, hiện đại.

 
 Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) giúp nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Phát huy những yếu tố then chốt

Quán triệt chỉ đạo của trung ương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025"; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm (khóa XX, XXI), ngay từ đầu các nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn xác định: “Xây dựng nông thôn mới” và “Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị” là nhiệm vụ trọng tâm.

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm khóa XX, XXI đã khẩn trương xây dựng và triển khai đồng bộ 7 chương trình công tác toàn khóa, trong đó có Chương trình số 11-CTr/HU ngày 18-02-2011 về “Xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm giai đoạn 2011 - 2015”; 6 chương trình công tác toàn khóa, trong đó có Chương trình số 09-CTr/HU ngày 22-01-2016 của Huyện ủy về “Phát triển kinh tế từng bước vững chắc gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm giai đoạn 2015 - 2020”; Chương trình số 12-CTr/HU của Huyện ủy về "Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư huyện Gia Lâm trở thành quận giai đoạn 2020 - 2025”.

Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, ngay sau khi Gia Lâm được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, huyện quyết tâm đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao để tiệm cận đô thị văn minh, hướng tới các chỉ tiêu xã trở thành phường, huyện trở thành quận. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm đã đề ra nhiều giải pháp triển khai quyết liệt, cụ thể hóa Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng 5 đề án, phương án trọng tâm trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, văn hóa. Trong đó ưu tiên nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; thực hiện các giải pháp chiến lược để phát triển hạ tầng, kinh tế, văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn làng xã, với những giá trị riêng, truyền thống...

Các làng nghề truyền thống như gốm sứ Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan, dát vàng bạc quỳ và may da Kiêu Kỵ; làng nghề thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; làng nghề cây cảnh hoa giấy xã Phù Đổng; làng nghề chế biến nông sản Thuận Quang (xã Dương Xá) đều được bảo tồn và phát huy các giá trị gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, làng nghề gốm sứ Bát Tràng hằng năm thu hút gần 300.000 lượt khách tham quan, mua sắm, trong đó có khoảng 20.000 lượt khách quốc tế. Hiện tại, Thành phố đang triển khai xây dựng “Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ kết hợp du lịch tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm”, nhằm góp phần bảo tồn phát triển làng nghề và là “điểm đến du lịch làng nghề tiêu biểu của Thủ đô”. Đây cũng là động lực và tiềm năng lớn để Gia Lâm phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ...

Trong giai đoạn 2010 - 2018, huyện đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp 227km đường giao thông nông thôn, giúp 100% tuyến đường của huyện đạt chuẩn theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia. Giai đoạn 2019 - 2023, huyện tiếp tục đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường kết nối giữa các khu vực của huyện và các địa phương lân cận; đồng bộ các tuyến đường có hành lang cho người đi bộ; các tuyến đường trục đều được trồng cây xanh, có các hạng mục phụ trợ, như đèn chiếu sáng, sơn gờ giảm tốc, hệ thống đèn báo hiệu giao thông...

Mạng lưới điện của huyện được đầu tư hiện đại theo tiêu chí linh hoạt, thông minh, có mức độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng. Huyện đầu tư đồng bộ hơn 411km hệ thống chiếu sáng trên địa bàn các xã, thị trấn với tổng kinh phí 158 tỷ đồng và 100% đường ngõ xóm rộng hơn 2m đều có điện chiếu sáng.

Được xem là yếu tố then chốt khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, với quan điểm “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai”, hiện quy mô giáo dục của Gia Lâm tiếp tục được duy trì ổn định và phát triển, cơ sở vật chất được tăng cường, từng bước được chuẩn hóa, hiện đại hóa. Huyện đã thực hiện cải tạo, sửa chữa 59 điểm trường với tổng kinh phí hơn 124 tỷ đồng và xây mới 92 điểm trường với tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng. Toàn huyện có 78/83 trường công lập được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2; trong số 4 trường trung học phổ thông công lập, thì có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2...

Hướng tới những mục tiêu mới

Huyện Gia Lâm đang hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử vững mạnh, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trọng tâm là các trụ cột về cải cách hành chính, chuyển đổi số và số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Việc sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số bảo đảm kết nối liên thông, cung cấp các dịch vụ công 1 phần, dịch vụ công toàn trình; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được giải quyết sớm, đúng hạn, đúng quy định... Huyện kỳ vọng, với những điểm nhấn này sẽ tạo được bước đột phá, giúp hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành thực chất, hiệu quả và vì người dân.

Xác định nông thôn mới nâng cao là “điểm tựa” vững chắc để huyện tiến tới hoàn thành xây dựng huyện thành quận, trên cơ sở kết quả 20/20 xã đều đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện chọn 5 đơn vị làm điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cán bộ, nhân dân các xã được chọn rất phấn khởi, tự hào, cùng nhau chung sức, đồng lòng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, cả 5/5 xã đều đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó xã Dương Xá đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với 3 lĩnh vực: Du lịch, văn hóa, y tế; xã Cổ Bi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lĩnh vực giáo dục - đào tạo; xã Bát Tràng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lĩnh vực du lịch, văn hóa; xã Ninh Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lĩnh vực văn hóa, an ninh trật tự; xã Phù Đổng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 3 lĩnh vực: Du lịch, văn hóa, tổ chức sản xuất...

Những giá trị to lớn từ xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã kết tinh thành “trái ngọt”, đền đáp xứng đáng cho sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lâm. Đây là nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu trên chặng tiếp theo, nhằm tạo ra những con người mới, diện mạo mới, sức sống mới.

Gia Lâm hôm nay đang thực sự chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ nhờ luồng sinh khí mới từ Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đó là nền tảng, là bản lề và là đích đến, đưa Gia Lâm trở thành quận “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Nguồn Báo Hà Nội Mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 17998
Tổng lượng truy cập: 24620604