Diện mạo khang trang
Có dịp đến huyện Thường Tín trong những ngày Thủ đô náo nức kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng, sẽ thấy làng quê được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu đẹp mắt. Tại xã Hòa Bình, tất cả các thôn của xã đều có nhà văn hóa; riêng thôn Thụy Ứng, 4/4 xóm có nhà văn hóa khang trang và 100% thôn đều có điểm vui chơi công cộng, có thiết bị thể dục, thể thao ngoài trời phục vụ nhân dân. Còn tại xã Nguyễn Trãi, nhờ phát triển tốt ngành nghề mà toàn bộ lao động trong xã đều có việc làm và thu nhập ổn định. Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Mộ (xã Nguyễn Trãi) Nguyễn Tuấn Chỉnh phấn khởi chia sẻ, nông thôn mới đã giúp địa phương thay đổi ngoạn mục. Hạ tầng hoàn thiện, người dân địa phương đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, Cụm công nghiệp Quất Động (nằm trên địa bàn xã) đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Chưa kể, xã còn có 3 làng nghề thêu may truyền thống: Xóm Bến, thôn Gia Khánh và thôn Đình Tổ, nhờ đó rất nhiều lao động lớn tuổi cũng có thể kiếm được tiền, không ai thất nghiệp.
Không chỉ ở Thường Tín mà diện mạo tươi mới đã trở thành mảng màu chủ đạo trên bức tranh nông thôn ngoại thành Hà Nội. Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố, của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của nhân dân, khu vực ngoại thành Thủ đô đã khởi sắc mạnh mẽ. Đặc biệt, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, nông thôn Hà Nội tiếp tục có bước phát triển về chất. Từ năm 2021 đến nay, Thành phố Hà Nội đã huy động được 83.087 tỷ đồng để đầu tư cho nông thôn. Chưa kể, 10 quận của thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí lên tới 917 tỷ đồng và nguồn kinh phí lớn từ xã hội hóa. Nhờ đó, nông thôn Hà Nội đã có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hài hòa với sự phát triển đô thị...
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, tính đến tháng 7-2024, toàn bộ 382/382 xã của thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU đề ra) và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (theo kế hoạch của thành phố, năm 2024 có thêm ít nhất 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, như vậy, đến cuối năm 2024 số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu sẽ vượt chỉ tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU đặt ra là 80 xã). Hiện tại, có 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đã hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét công nhận. Ngoài ra, có 3 huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Đan Phượng đang hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao và trình Thành phố trong tháng 8-2024.
Đời sống tinh thần phong phú
Những đổi thay về diện mạo cũng kéo theo những đổi thay về chất trong đời sống của người dân nông thôn. Mỗi buổi chiều tại thôn Lầy, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, dù bận rộn cỡ nào người dân cũng gác lại để tham gia vào những sân chơi thể thao. Ông Đặng Duy Ý (72 tuổi) phấn khởi cho hay: “Chiều nào tôi cũng chơi bóng chuyền hơi. Môn thể thao này rất hợp với người cao tuổi, bởi đó là hoạt động tập thể, nên rất vui. Mỗi ngày tôi chơi 2 đến 3 séc”. Cùng chơi với ông Ý, ông Bùi Văn Hải chia sẻ: “Câu lạc bộ bóng chuyền hơi thôn Lầy được thành lập từ năm 2017, là câu lạc bộ đầu tiên của xã. Hiện có hơn 40 người tham gia, chiều nào cũng tập trung về 2 sân bóng của nhà văn hóa thôn. Vừa thể thao nâng cao sức khỏe, vừa là thời gian để chúng tôi giao lưu vui vẻ với nhau...”.
Theo Chủ tịch UBND xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) Bùi Thế Anh, từ khi địa phương xây dựng nông thôn mới, nhà văn hóa, sân thể thao được đầu tư khang trang, các hoạt động văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Từ nay đến năm 2025, xã Vân Phúc tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các nhà văn hóa, khu thể thao của các thôn cũng sẽ được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống của người dân.
Sự đổi thay đến với khắp mọi nẻo quê ngoại thành Hà Nội, trong đó có cả các xã vùng núi, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số. Yên Bình là một xã miền núi trước đây thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, xã được tách khỏi huyện Lương Sơn và nhập vào huyện Thạch Thất. Trong những năm qua, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân có nhiều khởi sắc. Chủ tịch UBND xã Yên Bình Đoàn Thị Thịnh cho biết, văn hóa dân tộc Mường có truyền thống lâu đời, phong phú với những giá trị bản sắc độc đáo về vật thể và phi vật thể. Nét văn hóa đó có sức sống bền bỉ, được lưu truyền, bồi đắp phát triển qua bao đời nay, thấm sâu vào trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Hiện tại, người Mường ở Yên Bình vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, như nhà sàn, trang phục, ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt; ngôn ngữ, mo Mường, cồng chiêng và các làn điệu hát, múa, các môn thể thao, trò chơi dân gian dân tộc... “Trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng, như lễ hội, ngày hội đại đoàn kết toàn dân và các sinh hoạt tập thể khác; động viên các hộ gia đình thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày, chú trọng truyền dạy tiếng cho thế hệ trẻ; thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng và tổ chức truyền dạy văn hóa Mường cho nhân dân. Đến nay, cả 6/6 thôn trên địa bàn xã đã bảo tồn được gần như nguyên vẹn nét văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình...” - bà Đoàn Thị Thịnh thông tin.
Hà Nội đang trong những ngày náo nức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Nhìn lại chặng đường qua, Thủ đô Hà Nội đã không ngừng phát triển; vóc dáng, diện mạo thành phố ngày càng khang trang, hiện đại và to đẹp hơn. Sự phát triển mạnh mẽ đó đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; trong đó có đóng góp không nhỏ của khu vực nông thôn Hà Nội. Quan điểm chỉ đạo của thành phố đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, là tiếp tục duy trì, giữ vững danh hiệu đã đạt được; đồng thời, không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí để hướng tới mục tiêu cao hơn là xây dựng nông thôn thông minh trong giai đoạn tiếp theo, góp phần vào hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"...