Đan Phượng sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới
Trong số 18 huyện, thị xã của thành phố Hà Nội, Đan Phượng luôn là lá cờ đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Quá trình xây dựng nông thôn mới đã giúp diện mạo nông thôn của Đan Phượng ngày càng “thay da, đổi thịt”, khang trang hơn. Đan Phượng hôm nay đang nỗ lực không ngừng để trở thành hình mẫu nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu của Thủ đô và cả nước.

 

Mô hình trồng nho ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Mai

Dẫn đầu trong các phong trào

Đầu năm 2024, 3 xã cuối cùng của huyện Đan Phượng, là: Hạ Mỗ, Liên Hồng và Thọ An đã được Thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đưa huyện trở thành địa phương đầu tiên của Hà Nội có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong không khí cả nước náo nức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, Đan Phượng như đẹp hơn, lung linh hơn, bởi có thêm cờ hoa rực rỡ, băng rôn, khẩu hiệu trang hoàng khắp các nẻo đường, tô sắc cho vùng nông thôn trù phú, văn minh, hiện đại.

Để đạt được thành tích đáng tự hào, ngoài việc tập trung nguồn lực đầu tư, bảo đảm các tiêu chí “cứng”, mỗi địa phương trên địa bàn huyện Đan Phượng lại có cách làm sáng tạo, trong đó có việc chọn lĩnh vực lợi thế để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm, Hạ Mỗ có truyền thống hiếu học, nơi sản sinh ra các bậc hiền tài của đất nước, như Thiền sư Trí Bảo; Thái úy Tô Hiến Thành; Hoàng giáp Đỗ Trí Trung... Với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, từ thế kỷ VI, Hạ Mỗ là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân. Hiện, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác và đền Văn Hiến đã được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Trên nền tảng tiềm năng và lợi thế, Đảng ủy xã Hạ Mỗ đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn. Năm 2020, Hạ Mỗ được công nhận là điểm du lịch của thành phố. Từ đó đến nay, mỗi năm Hạ Mỗ đều đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan và du lịch đã trở thành một trong những lĩnh vực kiểu mẫu mà địa phương đạt được trong xây dựng nông thôn mới.

Trong khi đó, xã Liên Hồng có lợi thế là nghề mộc phát triển. Hiện tại, trên địa bàn có 89 doanh nghiệp, 83 cơ sở sản xuất mộc hoạt động hiệu quả, kinh doanh dịch vụ ngày càng phát triển. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 75,6 triệu đồng/người/năm. Trạm Y tế xã Liên Hồng được xây dựng khang trang trên diện tích 3.000m2 với 16 phòng chức năng theo chuẩn quốc gia về y tế xã. Trạm cũng được trang bị các thiết bị hiện đại, như máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm nước tiểu, máy khí dung, châm cứu... Năm 2019, Trạm Y tế đã thực hiện theo nguyên lý y học gia đình.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Lai (xã Liên Hồng) Nguyễn Thị Hoa thông tin, địa phương đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng; được đầu tư xây dựng công viên cây xanh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao.

Song hành với xây dựng và duy trì, nâng cao kết quả nông thôn mới kiểu mẫu ở các xã, huyện Đan Phượng tập trung hoàn thành hồ sơ đề nghị Thành phố trình Trung ương xét công nhận huyện nông thôn mới nâng cao. Theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng, huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (nêu tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ). Huyện có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không nợ đọng xây dựng cơ bản; không có tiêu chí bị điểm 0.

Tập trung nguồn lực đầu tư

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện Đan Phượng xác định là nhiệm vụ trọng tâm và bước đi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trên cơ sở các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, huyện đã ban hành hàng chục nghị quyết, kế hoạch để tổ chức thực hiện từ huyện đến cơ sở.

Ngoài việc tranh thủ hỗ trợ của Trung ương và Thành phố Hà Nội, huyện Đan Phương còn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, huy động đa dạng nguồn lực phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thống kê từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn đã huy động đạt hơn 7.586 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số này, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách, xã hội hóa được hơn 1.191 tỷ đồng. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, năm 2015, Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, là một trong những huyện đầu tiên của Hà Nội đạt mục tiêu này. Đến năm 2020, 15/15 xã của Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và năm 2023 trở thành huyện đầu tiên của thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã. Đan Phượng đang nỗ lực để được Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã hoàn thành thêm 36 dự án thuộc các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, văn hóa, môi trường, y tế; khởi công mới 34 dự án. Các dự án được bố trí vốn đầy đủ, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án nâng cao chất lượng hoạt động tại các trạm y tế, 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,15%. Đan Phượng cũng có 54/58 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 39 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. 100% người dân trên địa bàn huyện đã được dùng nước sạch, trong đó có 70% số hộ được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Đan Phượng đã đạt 78 triệu đồng/năm và không còn hộ nghèo.

Đặc biệt, sau thành công của mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, Đan Phượng hướng tới xây dựng các xã thông minh. Hiện 16 xã, thị trấn của huyện Đan Phượng đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng phục vụ việc tuyên truyền, trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội của thôn, xã và tiếp nhận phản ánh của người dân trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện xây dựng được 101 mô hình “Thôn thông minh” trên địa bàn huyện; 101 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố thông minh đã được trang bị hệ thống internet, wifi miễn phí để người dân truy cập, khai thác thông tin trên internet hình thành nơi sinh hoạt cộng đồng thông minh.

Phát huy truyền thống anh hùng, trong suốt 70 năm qua, kể từ ngày huyện được giải phóng (7/8/1954 - 7/8/2024), Đan Phượng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Huyện vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000) và Anh hùng Lao động (năm 2013). Đan Phượng cũng là huyện đầu tiên của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Nguồn Báo Hà Nội Mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1534
Tổng lượng truy cập: 25344896