Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố; thành viên đoàn thẩm định xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; các thành viên Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đến năm 2025; đại diện lãnh đạo UBND, các phòng kinh tế và đơn vị liên quan 18 huyện, thị xã…
Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Hà Nội trao đổi, thảo luận với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Nguyễn Mai.
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, hiện nay, thành phố có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với huyện nông thôn mới nâng cao (4 huyện): Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, đã được Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố họp, bỏ phiếu đồng ý đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Sở NN&PTNT đã hoàn thiện hồ sơ 4 huyện báo cáo UBND thành phố trình Bộ NN&PTNT, Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định. Ngoài ra, 3 huyện: Thanh Oai, Đan Phượng, Thường Tín đang hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao, trình UBND thành phố trong quý II-2024. Thành phố Hà Nội phấn đấu tháng 8-2024, được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”.
Tại hội nghị, các đại biểu được đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương hướng dẫn quy trình thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; quy trình, các bước hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt “Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm số một về xây dựng nông thôn mới của Hà Nội trong năm 2024.
Đại diện các địa phương trao đổi, thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Mai.
Đối với Chương trình OCOP, lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chia sẻ với các đại biểu về phát triển sản phẩm OCOP; khắc phục hạn chế về bao bì sản phẩm; cách viết câu chuyện sản phẩm; đặt tên cho sản phẩm; hướng dẫn rà soát, đánh giá các tiêu chí và phân hạng sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP 5 sao và tiềm năng 5 sao.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Hà Nội đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện chương trình tại cơ sở.
Thông qua chương trình tập huấn, cán bộ và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thêm kiến thức hữu ích để triển khai một số nội dung về xây dựng nông thôn mới, đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP để thành phố hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.