Những tuyến đường nông thôn trong huyện được bê tông hóa |
Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, Thường Tín luôn xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, cần sự vào cuộc của toàn xã hội, do vậy, huyện luôn xác định rõ những bước đi phù hợp nhằm đảm bảo đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra. Trong đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thành lập Ban chỉ đạo tổ chức tuyên truyền chủ trương xây dựng nông thôn mới tại các hội nghị chủ chốt, đồng thời, phát động và hướng dẫn các xã tổ chức phát động thi đua và hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Chỉ đạo đài truyền thanh mở chuyên mục “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” vào thứ 6 hàng tuần thời lượng 7 phút, xây dựng 3 phóng sự về xây dựng nông thôn mới phát trên đài thành phố, chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin xây dựng được 120m2 pano tuyên truyền tại trung tâm huyện.
Huyện đã tổ chức cho các đồng chí Ban chỉ đạo huyện, tổ giúp việc BCĐ tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Thịnh, tỉnh Thái Bình; Thành phố Bắc Giang. Các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện đã tổ chức phối hợp bằng nhiều hình thức tuyên tuyền đa dạng, phong phú như: tọa đàm chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, ra quân hưởng ứng xây dựng nông thôn mới…Ở các xã đã đầu tư xây dựng 694 pano, băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến đường trục chính của xã; tổ chức tập huấn 2.288 cán bộ thôn, xã. Trong công tác xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu như xã Hồng Vân đã phối hợp với Lữ đoàn 239 công binh tổ chức phát động phong trào “quân dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; xã Minh Cường huy động nguồn kinh phí xã hội hóa và nhân dân đóng góp trên 4 tỷ đồng để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, nghĩa trang liệt sỹ; xã Vạn Điểm đã làm tốt công tác tuyên truyền huy động nguồn vốn doanh nghiệp ủng hộ 1 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; xã Nhị Khê đã huy động được hơn 1 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn và nhân dân hiến trên 600m2 đất…
Kết quả cho đến nay, 100% các xã đã được phê duyệt quy hoạch và công bố quy hoạch nông thôn mới. Hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi đã đáp ứng được yêu cầu đi lại, phục vụ sản xuất và công tác phòng chống thiên tai, có 68,7% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 71,7% đường trục thôn, xóm được cứng hóa; 82% đường ngõ, xóm không lầy lội vào mùa mưa; 26% đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Huyện đã triển khai cơ chế đặc thù đề án số 02/ĐA-UBND, đến nay đã bê tông hóa khoảng 19,6km đường giao thông nông thôn, đường trục chính nội đồng với tổng kinh phí đầu tư 23,3 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ 10,1 tỷ đồng, huyện hỗ trợ 2,5 tỷ đồng, ngân sách xã và nhân dân đóng góp 10,7 tỷ đồng.
Hệ thống điện nông thôn được quan tâm cải tạo, củng cố, nâng cấp cơ bản đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, dân sinh nông thôn. 100% các hộ được sử dụng điện thường xuyên. Mạng lưới bưu chính viễn thông từng bước được nâng cấp và hiện đại hóa. 100% các xã có điểm bưu điện văn hóa xã. 13 trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia theo tiêu chí. Đồng thời, các cơ sở y tế trong huyện đã được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp từ các nguồn vốn của Thành phố và huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay các công trình đã hoàn thành đưa vào phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Hệ thống trường học tiếp tục đầu tư, nâng cấp, xây mới, bổ sung trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập toàn huyện có 35,2% số trường đạt chuẩn quốc gia.
Về văn hóa đã hình thành được các thiết chế văn hóa và môi trường ở nông thôn; 57,57% số làng được công nhận làng văn hóa. Về môi trường, 100% các xã đã thành lập tổ thu gom rác thải. Về phát triển sản xuất, huyện đã chọn Hợp tác xã nông nghiệp Nhị Khê trong đề án làm điểm củng cố phát triển hợp tác xã. Hàng năm, huyện đều có chủ trương hỗ trợ giá giống, đưa giống mới vào khảo nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Một số phong trào nổi bật về phát triển sản xuất là việc dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” tại xã Nghiêm Xuyên và Thắng Lợi với diện tích mỗi xã là 100ha.
Đến nay, xã điểm Nhị Khê đã cơ bản đạt xã nông thôn mới; 4 xã đạt và cơ bản đạt 16 - 17 tiêu chí; 11 xã đạt và cơ bản đạt 10 - 15 tiêu chí; 12 xã đạt và cơ bản đạt dưới 10 tiêu chí.
Để tiếp tục hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, huyện Thường Tín tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, vận động sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố và huyện về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; biểu dương các gương điển hình tiên tiến, phương pháp hay, sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, dồn điển đổi thửa ở cơ sở, đồng thời phê phán những nơi triển khai thụ động, kém hiệu quả, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước… Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ mới.
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân cấy nghề, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn, phấn đấu lao động sau khi được đào tạo trên 70% có việc làm và thu nhập ổn định. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất các trường học để phấn đấu đến năm 2015có ít nhất 50% số trường đạt chuẩn quốc gia.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án 02/ĐA-UBND của UBND huyện Thường Tín về áp dụng cơ chế đặc thù xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng đường làng ngõ xóm. Huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Trường Giang