Còn nhiều khó khăn
Những năm gần đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đã có những khởi sắc. Hiện 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới… Tuy nhiên, do đặc thù là vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn không ít khó khăn nên đến nay, chưa có xã nào trong số 13 xã thuộc khu vực này đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Chủ tịch UBND xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) Đinh Công Long cho biết, người dân Yên Trung bao đời nay chỉ gắn với nghề nông, thu nhập còn hạn chế. Ngoài ra, xã có địa bàn rộng, dân cư thưa, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông, thủy lợi cũng khó khăn. Trong khi đó, những năm qua, trên địa bàn xã có rất nhiều quy hoạch “treo”. Chẳng hạn, quy hoạch Nghĩa trang Yên Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2018, quy mô 120ha, thời gian đầu tư trong 3 năm, đến nay vẫn chưa được thực hiện… Từ khi công bố quy hoạch dự án, các hộ dân nằm trong quy hoạch không được phép xây dựng, cải tạo nhà ở và các công trình phúc lợi...
Minh Quang là một trong 7 xã miền núi của huyện Ba Vì. Hiện xã Minh Quang đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2024. Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Quang (huyện Ba Vì) Đỗ Văn Minh, xã còn một số tiêu chí chưa đạt như trường học, giao thông, thủy lợi… cần nguồn vốn đầu tư lớn. Trong số này, trường Mầm non Minh Quang B và trường Tiểu học Minh Quang B chưa bố trí được vốn… dù đang rất cần được đầu tư, nâng cấp để đạt chuẩn quốc gia.
Tương tự, huyện Quốc Oai có 2 xã dân tộc thiểu số và miền núi là Đông Xuân và Phú Mãn. Đến thời điểm này, áp vào bộ Tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã Đông Xuân mới đạt 4 tiêu chí, còn 15 tiêu chí cơ bản đạt và chưa đạt; xã Phú Mãn mới đạt 7 tiêu chí, còn 12 tiêu chí cơ bản đạt và chưa đạt.
Xác định lộ trình thực hiện
Để những xã khu vực dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô vượt qua khó khăn, cán đích xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thành phố Hà Nội đã xác định lộ trình, đi kèm với đó là những kế hoạch triển khai cụ thể.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 68/KH-UBND (ngày 22-2-2024) của UBND thành phố Hà Nội thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, thành phố giao chỉ tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương ứng 8/13 xã) và 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tương ứng 3/13 xã).
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Ban Dân tộc thành phố và các huyện rà soát, lựa chọn các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến năm 2025, có 10/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt mục tiêu kế hoạch; 3 xã còn lại phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030. Đối với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 3 xã: Minh Quang, Ba Trại, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) đạt chuẩn; giai đoạn 2026-2030 phấn đấu 10 xã còn lại đạt chuẩn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và đề xuất nhu cầu cần thiết để đáp ứng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của xã Đông Xuân và xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai xác định lộ trình về đích cho 2 xã này vào năm 2027.
Cùng với đó, huyện báo cáo thành phố về việc cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2024 cấp thành phố đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030 để thực hiện hàng chục dự án giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế… cho hai xã.
Chủ tịch UBND xã Minh Quang (huyện Ba Vì) Nguyễn Tiến Tha cho biết, xã xác định phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để bảo đảm mục tiêu đến năm 2025, thành phố Hà Nội có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổng hợp báo cáo đề xuất của các huyện. Sở NN&PTNT đề nghị UBND thành phố quan tâm bố trí kinh phí ngân sách hỗ trợ các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi để hoàn thành và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đồng thời, đề nghị các huyện chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, xã và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để triển khai thực hiện.