Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND xã Yên Thường Nguyễn Thọ Sáng cho biết, ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, xã Yên Thường tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cùng với sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã Yên Thường đạt nhiều kết quả nổi bật, trong đó hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 77,95 triệu đồng/người/năm. Xã không có hộ nghèo, chỉ còn 24 hộ cận nghèo; 10/10 thôn, tổ dân phố đạt Danh hiệu văn hóa, 94% gia đình đạt Gia đình văn hóa; 95,09% người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Yên Thường cũng đã huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao với tổng kinh phí hơn 453 tỷ đồng, trong đó có 43,392 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, gồm tiền mặt, hiện vật, ngày công lao động; còn lại là ngân sách thành phố, huyện, xã.
Đến nay, hệ thống giao thông ở Yên Thường được đầu tư, nâng cấp mở rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại, 100% tuyến đường trục chính, đường làng, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, có hệ thống chiếu sáng; 100% hộ gia đình sử dụng điện an toàn, sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp...
Với những kết quả đạt được, ngày 23-2-2024, xã Yên Thường được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1027/QĐ-UBND công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt phát biểu. Ảnh: Ánh Dương
Tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt đề nghị xã tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nghị quyết đại hội Đảng các cấp; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có giải pháp cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020-2025; quan tâm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, bảo đảm các chế độ an sinh xã hội; tập trung trí tuệ, nguồn lực tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí thành lập phường...
Đến nay, huyện Gia Lâm đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 20/20 xã, trong đó có 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, gồm: Dương Xá, Phù Đổng, Cổ Bi, Bát Tràng, Ninh Hiệp, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra (6-8 xã đạt nông thôn mới nâng cao).
Hiện, Gia Lâm tập trung phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội hoàn thành nội dung hồ sơ theo quy định để trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.