84 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị
Tại huyện Sóc Sơn, HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn được xem là một trong những đơn vị tiên phong phát triển chuỗi liên kết giá trị cho cây chè. Quy tụ hàng chục nông dân, HTX phát triển vùng canh tác chè theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích hơn 5ha.
Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý cho biết, với việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc ngày một cải tiến, HTX thu được khoảng 5 tấn chè tươi/ha. Sản phẩm được sơ chế, đóng gói, dán bao bì, nhãn mác, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Thu hoạch chè tại Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn).
“Với việc được UBND TP Hà Nội công nhận 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm, các sản phẩm của HTX hiện nay đã liên kết tiêu thụ được với một số doanh nghiệp, đưa sản phẩm lên các kệ hàng trong các siêu thị, cửa hàng tiện tích…” - bà Quý nói.
Được thành lập hơn 3 năm trước, HTX Bắc Hồng (huyện Đông Anh) cũng là một điểm sáng trong xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành hàng nông nghiệp. Hiện, HTX canh tác khoảng 30ha rau an toàn, trong đó có khoảng 5ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chủ tịch HĐQT HTX Bắc Hồng Nguyễn Tuấn Hồng cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường Hà Nội từ 6 - 7 tấn rau, củ các loại. Nhờ chất lượng đảm bảo, sản phẩm của HTX đã thâm nhập vào hệ thống phân phối lớn tại Hà Nội như Go!, T-mart. Một phần sản lượng được tiêu thụ qua hợp đồng ký kết với các trường học, bếp ăn tập thể…
Điều đáng mừng, những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị như tại HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn, HTX Bắc Hồng đã không còn hiếm gặp trên địa bàn Hà Nội. Ngoài các HTX sản xuất, nhiều HTX thực hiện thực hiện cung cấp dịch vụ đầu ra, hỗ trợ tích cực cho các thành viên trong khâu tiêu thụ.
Một số HTX đã thực hiện tốt vai trò bao tiêu sản phẩm, có thể kể tới như: HTX Dịch vụ nông nghiệp sông Hồng (huyện Đông Anh), HTX Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai), HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm), HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh)…
Sản xuất ống hút từ bột rau củ tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh).
Lan toả những mô hình hiệu quả
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 84 HTX đã xây dựng và phát triển có hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết giá trị. Các mô hình liên kết không những nâng cao năng lực quản lý, thành viên HTX cũng yên tâm sản xuất bởi đã có hợp đồng tiêu thụ. Giá trị gia tăng sản phẩm từ 10 - 20% so với khi không có liên kết.
Dù đã cho thấy những hiệu quả tích cực, tuy nhiên, nhìn chung các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hiện nay tại Hà Nội vẫn còn ít. Toàn TP hiện có 1.216 HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong khi số liên kết chỉ là 84 HTX. Đây là con số còn rất khiêm tốn.
Nhằm đẩy mạnh phát triển liên kết chuỗi trong các HTX, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, sẽ thí điểm lựa chọn một số HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với doanh nghiệp, mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, tiến tới lan toả, nhân rộng.
Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cũng sẽ tập trung rà soát hoạt động của các HTX để củng cố, tổ chức lại; phối hợp với Liên minh HTX TP và các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực quản trị sản xuất gắn với kinh doanh theo chuỗi giá trị cho cán bộ quản lý các HTX.
Về phía Liên minh HTX TP, Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Thành cho biết, trong năm 2024 sẽ tiếp tục đẩy mạnh các kế hoạch, chương trình hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể của Trung ương và Hà Nội. Trọng tâm là Đề án của TP về lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025.
Thống kê đến đầu năm 2024, trên địa bàn Hà Nội có 1.216 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 194 HTX đã ngừng hoạt động, đang chờ giải thể. Kết quả đánh giá ở kỳ gần nhất theo Thông tư số 01/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với 985 HTX cho thấy, có 234 HTX hoạt động tốt, 367 HTX hoạt động khá, còn lại là các HTX hoạt động ở mức trung bình và yếu.