Lợi nhuận cao từ trồng đào
Những ngày cuối năm cận Tết là thời điểm ngôi làng Phù Trì trở nên bận rộn, tấp nập nhất trong năm. Ô tô tải, xe máy nườm nượp ra vào con đường dẫn đến những cánh đồng hoa đào đang độ đâm chồi, nảy lộc, tươi thắm sắc hoa.
Ông Nguyễn Văn Công ở thôn Phù Trì cho biết, 3 năm trước gia đình vẫn trông vào hơn 2 sào trồng rau củ. Tuy nhiên, giá cả tương đối bấp bênh, lại chịu ảnh hưởng nhiều của thời tiết nên doanh thu mang lại từ rau màu khá hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Công cẩn thận chăm sóc từng gốc hoa đào phục vụ Tết Giáp Thìn 2024.
“Gia đình tôi chuyển sang trồng hoa đào mấy năm nay rồi. Một năm tất bật nhất là 3 - 4 tháng cuối năm. Dù vẫn chịu ảnh hưởng của thời tiết nhưng nhìn chung việc buôn bán thuận lợi. Doanh thu cũng cao hơn nhiều so với trồng rau củ…” - ông Công nói thêm.
Chỉ tay về phía hàng trăm gốc đào đang lên tươi tốt, lốm đốm sắc hoa nở sớm, anh Nguyễn Đức Tình ở thôn Phù Trì phấn khởi bảo, toàn bộ số cây đã được thương lái đặt mua hết từ cách nay 1 tháng.
“Bán sớm cho thương lái, lợi nhuận có thấp hơn đôi chút, nhưng được cái không phải lo lắng về vấn đề tiêu thụ. Giá đào thì vô cùng lắm, nhưng 1 sào trồng đào, trừ chi phí cũng cho thu lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng; vậy là tốt hơn rau củ nhiều rồi…” - anh Tình chia sẻ.
Giống như bao nghề nông khác, nghề trồng đào ở thôn Phù Trì cũng còn đó không ít rủi ro. Thị trường tiêu thụ không phải là vấn đề lớn với người trồng đào thôn Phù Trì, mà nỗi lo thường trực của bà con là thời tiết, đặc biệt là mưa.
Còn nhớ vụ hoa đào mùa Xuân năm 2021, mưa kéo dài liên tục nhiều ngày trước Tết Nguyên đán đã khiến hơn 1/2 diện tích hoa đào của người dân làng Phù Trì bị hư hỏng. Bà con nông dân thất thu lớn. Tết năm đó cũng bởi thế mà kém vui hơn hẳn.
Càng về cuối năm, không khí tại vùng trồng đào thôn Phù Trì càng nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Thế Lực, trưởng thôn Phù Trì, cho biết nghề trồng đào đã bén rễ trên mảnh đất này từ những năm 2000. Hiện nay, tổng diện tích trồng đào trên địa bàn xã Kim Hoa vào khoảng 90ha, chủ yếu ở thôn Phù Trì. Toàn thôn có hơn 600 hộ dân tham gia vào nghề trồng đào (bao gồm cả buôn bán).
“Những năm qua, cây đào dần trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân thôn Phù Trì nói riêng, xã Kim Hoa nói chung. Nhờ nghề trồng đào, nhiều hộ gia đình trong làng đã có của ăn của để, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao…” - ông Lực nói thêm.
Điều đáng khích lệ, khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm hoa đào Phù Trì đã được UBND TP Hà Nội đánh giá cao, phân hạng OCOP 4 sao. Đây là sự công nhận, khẳng định đối với chất lượng hoa đào của người dân làng Phù Trì.
Một điểm thuận lợi khác, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám, hoa đào ở thôn Phù Trì đã được các sở ngành của TP Hà Nội hỗ trợ xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể. Điều này giúp “Hoa đào Phù Trì” từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Mặc dù vẫn mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, nhiều người dân khi được hỏi bày tỏ không ít suy tư. Sự phát triển nhanh của hạ tầng giao thông, tiến trình đô thị hoá đang khiến những diện tích trồng đào ở thôn Phù Trì ngày một bị thu hẹp, nhường đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế ghi nhận của phóng viên, hạ tầng phục vụ sản xuất tại vùng trồng đào thôn Phù Trì hiện nay cũng còn rất hạn chế. Đặc biệt là hệ thống giao thông chưa được bê tông hoá, thường xuyên rơi vào lầy lội mỗi khi mưa lớn khiến việc giao thương của người dân gặp nhiều khó khăn. Đây là vấn đề mà huyện Mê Linh, xã Kim Hoa cần tiếp tục quan tâm, có định hướng đầu tư, nâng cấp nhằm hỗ trợ phát triển cho làng nghề truyền thống hoa đào Phù Trì.