Nhiều sản phẩm bị loại
Vừa qua, Hội đồng OCOP huyện Quốc Oai đã tiến hành đánh giá, phân hạng đối với 25 sản phẩm. Trong số này, có 23 sản phẩm đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 4 sao, chờ trình cấp Hội đồng OCOP TP Hà Nội thẩm định.
Sản phẩm của các chủ thể huyện Quốc Oai tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm 2023. Ảnh: Lâm Nguyễn
Giám đốc Công ty TNHH An Xanh (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) Đỗ Thùy Dung cho biết, đơn vị có 2 sản phẩm trà hoa vàng và lá trà vàng An Tea tham gia Chương trình OCOP năm 2023. Dù kỳ vọng rất lớn nhưng 2 sản phẩm cũng chỉ đủ điều kiện phân hạng 3 sao. “Hội đồng làm việc rất nghiêm túc, đánh giá các tiêu chí khắt khe. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để nâng hạng sao trong các kỳ đánh giá sau…” - bà Dung chia sẻ.
Không chỉ đánh giá thực chất đối với các tiêu chí, Hội đồng OCOP các quận, huyện, thị xã còn kiên quyết trả lại sản phẩm, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ minh chứng nếu chưa đạt các điều kiện theo quy định. Điển hình là tại 2 huyện Mê Linh và Sóc Sơn.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Trọng Phan cho biết, vừa qua, Hội đồng OCOP của huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng đối với 30 sản phẩm của 11 chủ thể. Kết quả, có 1 sản phẩm đạt tiêu chí 4 sao, 28 sản phẩm 3 sao; 1 sản phẩm chưa đạt yêu cầu, phải hoàn thiện hồ sơ là nem bùi của hộ kinh doanh Phương Xứng (xã Thanh Lâm).
Tương tự, Hội đồng OCOP huyện Sóc Sơn đã tổ chức đánh giá, phân hạng đối với 38 sản phẩm. 2 trong số những sản phẩm này đã không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận OCOP. Các chủ thể được thành viên hội đồng nhắc nhở, tư vấn hoàn thiện để tham gia những kỳ đánh giá tiếp sau.
Không chạy theo số lượng
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tính đến nay, đã có 9 quận, huyện trên địa bàn TP tổ chức đánh giá, phân hạng được hơn 209 sản phẩm OCOP. Cụ thể gồm: Thanh Oai, Phú Xuyên, Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mê Linh, Quốc Oai, Bắc Từ Liêm và Ba Đình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, thành viên Hội đồng OCOP cấp huyện đã bám sát các tiêu chí theo quy định để đánh giá khách quan, công bằng đối với tất cả sản phẩm được đề xuất. Cùng với chất lượng và tiềm năng phát triển, các thành viên hội đồng cũng rất chú trọng đến các yếu tố bảo vệ môi trường, hồ sơ pháp lý.
Trước đó, UBND cấp xã đã tổ chức đánh giá nội dung của hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP bao gồm các tiêu chí: nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương, sử dụng lao động địa phương, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm, bản sắc/trí tuệ địa phương...
Phó chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, thực hiện theo đúng Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, thành phần hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện cũng có đầy đủ các sở: NN&PTNT, KH&CN, TN&MT, cùng các cơ quan quản lý chuyên ngành.
“Hà Nội luôn xem phát triển Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo chung của TP vẫn luôn kiên định là không chạy theo số lượng và thành tích. Do đó, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm được thực hiện nghiêm túc, từ cấp huyện đến TP…” - ông Ngọ Văn Ngôn cho hay.
Theo dự kiến, trong tháng 11/2023, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội sẽ hoàn thành việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở cấp huyện. Trong tháng 12/2023, Hội đồng OCOP cấp TP sẽ tập trung thẩm định các sản phẩm 4 sao và tiềm năng 5 sao OCOP, làm cơ sở trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp giấy chứng nhận cho các chủ thể.
Trong năm 2023, Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Đến nay theo thống kê, các quận, huyện, thị xã đã đăng ký tổng số 559 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2023.