Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023: Lan toả những giá trị của làng nghề Hà Nội
Lần đầu tiên UBND TP Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Đây được xem là sự kiện lớn chưa từng có, với kỳ vọng lan toả những giá trị tốt đẹp của làng nghề Hà Nội.

Đóng góp lớn từ những làng nghề

Thủ đô Hà Nội được xem là “cái nôi” của cả nước khi có đến hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống. Hiện, toàn TP có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã.

Các làng nghề của Hà Nội hoạt động trong đa dạng lĩnh vực, trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất là các làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ chế biến. Tiếp đến là các làng nghề bảo quản, chế biến nông sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn…

 

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất của Hà Nội.

Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Một số nhóm sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: may mặc, gốm sứ, dệt và thêu, ren truyền thống, đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng…

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, bảo tồn và phát triển làng nghề đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững; đồng thời, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đặc biệt, ở nhiều địa phương có làng nghề đã tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, với mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt gần đây các làng nghề trồng hoa, cây cảnh phát triển rất mạnh như: Làng nghề trồng hoa Giấy xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), thu nhập bình quân lao động đạt 26 triệu/người/tháng; hay làng nghề hoa mai trắng thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) cho thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người/tháng…

 

Sản phẩm làng nghề góp mặt tại một sự kiện quảng bá tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2023.

Quảng bá, giới thiệu làng nghề Hà Nội

Việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm làng nghề là vấn đề được UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, TP thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội chợ, tuần hàng, hội thi, lễ hội… để tôn vinh các sản phẩm làng nghề.

Mới đây nhất, vào tháng 10/2023, Hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội năm 2023 cũng đã được Sở NN&PTNT chủ trì tổ chức thành công. Hội thi đã tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng nghề. Cùng với đó, phát huy ý tưởng mới, tạo ra những tác phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Một số hoạt động chính tại Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023: Đêm biểu diễn Chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”; Hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023.

Tiếp nối các hoạt động gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề, dự kiến từ ngày 9 - 12/11/2023 tới đây, UBND TP Hà Nội sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Festival sẽ bao gồm rất nhiều hoạt động, trong đó trọng tâm là lễ vinh danh 100 nghệ nhân, thợ giỏi; hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề đến từ 42 tỉnh, TP và nhiều quốc gia trên thế giới như: Lào, Indonesia, Thái Lan, Nga…

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Hoàng Yến, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 là chỗi các hoạt động về làng nghề lớn nhất từ trước đến nay từng được tổ chức. Sự kiện được kỳ vọng sẽ tái hiện và phát huy bản sắc, hình thành những nét văn hoá đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của Hà Nội làm trung tâm để lan toả ra các địa phương khác.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường kỳ vọng Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 sẽ tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất - kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề.

“Hà Nội cũng mong muốn Festival sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn Thủ đô và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung” - ông Tạ Văn Tường chia sẻ.

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 11788
Tổng lượng truy cập: 25435431