Sản phẩm làng nghề truyền thống của huyện Chương Mỹ
Mỗi làng nghề, một sắc thái riêng
Trong số tổng số 52 làng nghề truyền thống của cả nước, Hà Nội có 47 làng nghề. Các làng nghề của Hà Nội hội tụ những yếu tố tạo nên giá trị của một nền văn hóa khắc sâu trong tâm hồn của mỗi người dân đất Việt. Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố Nguyễn Văn Chí thông tin, đến nay, toàn thành phố có 322 làng nghề, số làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 274 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề, gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (69 làng nghề); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (22 làng nghề); sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ (197 làng nghề); sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh (13 làng nghề); xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn (16 làng nghề); các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn (5 làng nghề).
Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: May mặc; gốm sứ; dệt và thêu, ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, sản phẩm cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè…).
Sự trường tồn và phát triển làng nghề của Hà Nội phải kể đến sự cống hiến của các nghệ nhân, thợ giỏi. Trải qua năm tháng, từ bàn tay tài hoa, khối óc, họ đã chắt chiu thổi hồn vào từng sản phẩm để gửi gắm những thông điệp hồn cốt của làng nghề đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Hà Nội hiện có 303 nghệ nhân (47 nghệ nhân nữ và 256 nghệ nhân nam), trong đó: 13 nghệ nhân nhân dân, 42 nghệ nhân ưu tú; 248 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng. Năm 2023, thành phố đang xét 46 hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu nghệ nhân Hà Nội và đã trình cấp Trung ương 38 hồ sơ đề nghị xét nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Đây là những “đầu tàu” trong việc gìn giữ những bản sắc, nét văn hóa truyền thống của các làng nghề. Và cũng là những người thợ giỏi, người thầy để lớp kế cận có thể học hỏi và nối tiếp những truyền thống, bản sắc văn hóa đẹp của các làng nghề.
“Sự phát triển của làng nghề đã tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ việc làm đối với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Hơn nữa, sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Gìn giữ, bảo tồn làng nghề
Trong nhiều năm qua, cùng với đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền gìn giữ, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống, thành phố Hà Nội còn thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội chợ, tuần hàng, hội thi, lễ hội, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để tôn vinh các sản phẩm làng nghề. Đồng thời tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng nghề. Bên cạnh đó, thành phố đã khuyến khích phát huy tối đa ý tưởng mới, tạo tác ra những tác phẩm mới phù hợp hội nhập với nhu cầu của thị trường đương đại trong nước và quốc tế.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thông qua các hội thi diễn ra hằng năm về thiết kế sáng tạo mẫu mã sản phẩm và sản phẩm làng nghề tiêu biểu của Thủ đô, các nghệ nhân tài hoa, thợ giỏi của Hà Nội đã được thả hồn vào các tác phẩm để phát huy các trầm tích lịch sử văn hóa con người của địa phương cộng với sự tạo tác đột phá để tạo nên những sản phẩm vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc, vừa phù hợp với xu thế tiêu dùng cả trong nước và quốc tế.
Với bề dày lịch sử của Thủ đô và được mệnh danh là “đất trăm nghề” thì du lịch trải nghiệm làng nghề đã và đang là hướng đi tất yếu trong bối cảnh hội nhập. Tiêu biểu cho hướng đi này phải kể đến làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Làng nghề này ra đời cách đây hơn 500 năm. Các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng với kinh nghiệm lâu năm đã khôi phục được một số đồ gốm từ thời xa xưa của thời nhà: Lý, Trần, Lê, Mạc… Gốm Bát Tràng được làm từ kỹ thuật tạo men và nung lò vô cùng tỉ mỉ và chuẩn xác để mang đến sự hài hòa nhất trong hình thể lẫn màu sắc của gốm.
Làng nghề lụa Vạn Phúc với các sản phẩm chất lượng và lâu đời nhất Việt Nam cũng rất tinh xảo, các đường nét, hoa văn đa dạng, rất sang trọng và tinh tế. Làng lụa Vạn Phúc ngày càng phát triển và trở thành điểm du lịch và tham quan cho khách du lịch khám phá, tìm hiểu về nét đẹp truyền thống của cha ông ta.
Phát huy giá trị, khẳng định vị thế
Ông Nguyễn Xuân Đại cho hay, việc bảo tồn và phát triển làng nghề đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Đặc biệt ở các địa phương có làng nghề đã tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt doanh thu 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Theo tính toán, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề của Hà Nội cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 4-5,5 triệu đồng/người/tháng. Các làng nghề khác nhau, mức thu nhập của các lao động cũng có sự khác nhau, như: Làng nghề mây tre đan thu nhập bình quân lao động đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng, điêu khắc mỹ nghệ bình quân lao động đạt 10 triệu đồng/người/tháng.
Để phát huy giá trị, khẳng định vị thế của làng nghề, ngoài việc phát triển sản phẩm kết nối với các quốc gia và vùng lãnh thổ, Hà Nội sẽ nỗ lực phấn đấu để trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên thế giới; là điểm đến không thể thiếu được của du khách trong nước và quốc tế gần xa.
Thành phố cũng sẽ chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các đơn vị của Trung ương và các tổ chức trong nước, quốc tế để thực hiện hiệu quả chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề. Từ đó góp phần nâng cao ý thức cho những làng nghề truyền thống tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo, hình thức mẫu mã… để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa gìn giữ được những bản sắc văn hóa hồn cốt của quê hương đất nước, đồng thời có những bước cải tiến đột phá phù hợp xu thế hiện đại hội nhập.