Dù vậy, trong số hàng nghìn sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP, TP mới chỉ phát triển được 2 sản phẩm thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch.
Nhiều điểm đến du lịch tiềm năng
Du lịch cộng đồng, điểm du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình OCOP được đề cập tới tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem là nhóm sản phẩm Hà Nội có tiềm năng lớn. Bởi trên địa bàn TP có nhiều làng nghề truyền thống, điểm đến hấp dẫn ở khu vực nông thôn, có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng, điểm du lịch. Mỗi điểm đến, làng nghề này lại có những sản phẩm quà tặng đặc trưng, với chất lượng đã được người tiêu dùng biết đến, đánh giá cao.
Du khách tham quan điểm dịch vụ, du lịch làng quê Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ảnh: Lâm Nguyễn
Có thể kể tới một vài điểm đến phổ biến như làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) với mặt hàng dệt lụa; làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm) với các sản phẩm đồ gốm; làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) với những nếp nhà cổ được lưu giữ qua nhiều thế hệ, đặc sản gà Mía, bánh tẻ Phú Nhi; làng Đào Thục (huyện Đông Anh) với loại hình nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Hay làng Hồng Vân (huyện Thường Tín) với sản phẩm trà thảo mộc và tour tuyến tham quan điểm đến các di tích…
Mặc dù vậy, đến nay, TP Hà Nội mới phát triển được hai sản phẩm du lịch cộng đồng, điểm du lịch ở khu vực nông thôn là: Phù Đổng Green Park (huyện Gia Lâm) và điểm du lịch, dịch vụ làng quê Hồng Vân (huyện Thường Tín). Hai điểm đến đều được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 4 sao.
Thực tế trong những năm qua, UBND TP Hà Nội cũng đã định hướng phát triển nhiều điểm đến khác như làng lụa Vạn Phúc hay làng gốm Bát Tràng, trở thành sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch. Tuy nhiên đến nay, việc biến những điểm đến trên thành sản phẩm OCOP vẫn chưa trở thành hiện thực.
Cần thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, yếu tố khó nhất hiện nay trong phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch là bài toán cơ sở hạ tầng. “Để phát triển được các điểm đến du lịch thì hạ tầng cần được xem là thiết yếu. Giao thông thuận lợi sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các điểm đến” - ông Chí nhận định.
Môi trường nông thôn cũng là vấn đề đáng suy ngẫm đối với định hướng phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho rằng, thực tế hiện nay, việc quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường tại nông thôn đã được cải thiện. Tuy nhiên, cảnh quan môi trường nhìn chung còn chưa đáp ứng được tiêu chí để phát triển du lịch cộng đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng, điểm du lịch, T.Ư và TP Hà Nội cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân; không chỉ trên khía cạnh xây dựng hạ tầng, mà còn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa theo hướng bền vững ở khu vực nông thôn.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, điểm du lịch đã được TP xác định là một trong những mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, TP sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp.
Ưu tiên của TP trong giai đoạn 2023 - 2025 là phát triển những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao. Đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Trong định hướng chung đó, sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch sẽ tiếp tục được Hà Nội quan tâm đầu tư, phát triển xứng tầm trong thời gian tới.