Việc tiếp tục nâng cao chất lượng, giám sát an toàn sản phẩm là đòi hỏi đặt ra nhằm duy trì niềm tin của cộng đồng với thương hiệu OCOP.
Mang đặc sản 3 miền đến với Thủ đô
Được tổ chức trung tuần tháng 8/2023, Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) đã thu hút một lượng lớn khách hàng đến mua sắm. Chương trình do Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội chủ trì tổ chức.
Người dân Hà Nội chọn mua sản phẩm OCOP tại tuần hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tổ chức ở Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). Ảnh: Lâm Nguyễn
Không chỉ an tâm với chất lượng sản phẩm, hầu hết người dân bày tỏ sự thoải mái khi đến với các tuần hàng, hội chợ, nơi họ có cơ hội được thưởng thức miễn phí nhiều mặt hàng OCOP, đặc sản vùng miền trước khi quyết định “mở hầu bao”. Nhiều chương trình bán hàng ưu đãi bán hàng cũng được các chủ thể thực hiện nhằm thu hút người tiêu dùng chọn mua sản phẩm...
Bên cạnh những sản phẩm OCOP do các chủ thể trên địa bàn Hà Nội sản xuất, những năm qua, người tiêu dùng Thủ đô đã có cơ hội được biết đến, sử dụng những sản phẩm đặc trưng của các vùng miền khác trên cả nước. Có được kết quả này là nhờ các chương trình kết nối giao thương, cũng như những hỗ trợ thiết thực, sát sườn của TP Hà Nội dành cho các chủ thể.
Anh Trần Minh Tú - đại diện Công ty CP Nam dược Đại Phú An (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: “Lần đầu tiên đơn vị mang nhóm sản phẩm OCOP đến với Thủ đô và được hỗ trợ tương đối tốt về chi phí thuê địa điểm và lắp đặt khung gian hàng. Điện, nước cũng được ban tổ chức cung cấp đầy đủ trong quá trình tham gia tuần hàng…” - Anh Tú chia sẻ.
Lặn lội mang nhiều sản phẩm hành, tỏi từ huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) về Thủ đô tham gia tuần hàng tại Khu đô thị Việt Hưng hồi tháng 8/2023 vừa qua, Chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh hành, tỏi Lý Sơn Ngô Thị Việt cũng bày tỏ sự hài lòng đối với công tác hỗ trợ của TP Hà Nội. “Không chỉ được trợ giúp về hậu cần, địa điểm tổ chức tuần hàng cũng khá đông đúc. Nhờ đó, việc tiêu thụ các sản phẩm hành tỏi của đơn vị khá tốt…” - bà Việt cho biết thêm.
Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, chỉ đánh giá riêng 3 sự kiện xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP do đơn vị tổ chức gần đây nhất trong tháng 7, 8/2023, đã thu hút sự tham gia của gần 50 DN, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh đến từ 19 tỉnh, TP trên cả nước.
Việc mở rộng kết nối giao thương với các tỉnh, TP không chỉ giúp các chủ thể có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, mà còn mang lại giá trị thiết thực, giúp hàng triệu người tiêu dùng Thủ đô được tiếp cận với nông sản, thực phẩm đặc sản từ khắp mọi miền của cả nước với chất lượng bảo đảm và giá cả phù hợp. Từ đó, nhận diện được thương hiệu, có đánh giá về mẫu mã cũng như chất lượng và lựa chọn, tin dùng.
Chất lượng sản phẩm là then chốt
Một trong những yếu tố khiến người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sản phẩm OCOP là bởi chất lượng của mỗi sản phẩm đã được khẳng định thông qua quy trình đánh giá, phân hạng trước khi cấp sao nghiêm túc, có trách nhiệm của các sở, ngành dưới sự chỉ đạo, giám sát của UBND TP Hà Nội. Các DN, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh cũng nhận thức rất rõ yếu tố này.
Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết, người tiêu dùng hiện nay ngày một thông thái hơn trong việc lựa chọn nông sản, thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình. Chính vì vậy, hợp tác xã luôn cố gắng để duy trì tốt nhất chất lượng thịt lợn sinh học và các sản phẩm từ thịt lợn đã được chứng nhận OCOP.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các chủ thể sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP, việc giám sát hoạt động duy trì chất lượng sản phẩm OCOP của các đơn vị cũng được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Hàng năm, TP đều tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các chủ thể có sản phẩm OCOP để kịp thời chấn chỉnh.
Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, từ năm 2019 đến nay, TP đã đánh giá, phân hạng được tổng số 2.167 sản phẩm. Trong số này, có 1.871 sản phẩm còn hiệu lực; 296 sản phẩm còn lại đã hết 3 năm kể từ khi được cấp chứng nhận OCOP.
“Thời gian tới, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm tra, đánh giá lại các sản phẩm. Chủ thể nào không duy trì được các tiêu chí chất lượng của một sản phẩm OCOP, đơn vị sẽ kiên quyết đề nghị UBND TP không tiếp tục gia hạn giấy chứng nhận…” - ông Nguyễn Văn Chí khẳng định.
Lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã tổ chức đánh giá, phân hạng được 2.169 sản phẩm OCOP. Hiện, 1.871 sản phẩm OCOP vẫn còn hiệu lực. Hà Nội được xem là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển sản phẩm OCOP khi chiếm đến 22% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước, đồng thời có 6 sản phẩm được T.Ư cấp 5 sao và 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang tiếp tục được hoàn thiện để đánh giá, phân hạng trong thời gian tới.