3 làng nghề đang dần mai một
Theo Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, trên địa bàn huyện hiện có 7 làng nghề được UBND TP Hà Nội công nhận. Cụ thể là làng nghề may thôn Thượng Hiệp (xã Tam Hiệp), 2 làng nghề chế biến nông sản ở thôn Hiếu Hiệp và Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp), làng nghề chế biên nông sản thôn Linh Chiểu (xã Sen Chiểu). Ngoài ra còn có làng nghề dệt thảm thôn Đông (xã Phụng Thượng), làng nghề mộc thôn Phú An (xã Thanh Đa), làng hoa - cây cảnh xã Tích Giang.
Ngoài các làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, trong những năm gần đây, địa phương đã phát triển thêm được một số làng nghề mới. Có thể kể tới làng nghề mộc thôn Triệu Xuyên (xã Long Xuyên); làng nghề sản xuất con giống bằng thạch cao ở xã Thanh Đa; làng nghề sản xuất tương tại xã Thượng Cốc…
Nghề may truyền thống lâu năm tại xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ).
Thống kê cho thấy, toàn huyện Phúc Thọ có gần 1.800 cơ sở và hộ sản xuất tại các làng nghề, và con số này đang ngày một tăng thêm. Sự phát triển của các làng nghề trong những năm qua đã góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách cho huyện, đồng thời tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương cũng như các xã, huyện lân cận.
Mặc dù vậy, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay đã có 3 làng nghề của huyện Phúc Thọ đang dần bị mai một. Đó là hai làng nghề chế biến nông sản Hiếu Hiệp và Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp), làng nghề dệt thảm thôn Đông (xã Phụng Thượng). Hoạt động của một số làng nghề cũng đứng trước nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường mới.
Phát triển từ 3 - 5 làng nghề mới
Để thúc đẩy phát triển làng nghề, huyện Phúc Thọ đã xây dựng đề án nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và làng nghề trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu của đề án là phát triển thêm 3 - 5 làng nghề mới được UBND TP Hà Nội công nhận.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Phúc Thọ phấn đấu có từ 3 - 5 làng nghề được đầu tư Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề.
Huyện Phúc Thọ hướng đến duy trì và phát triển hoạt động, hoàn thiện các tiêu chí của các làng nghề hiện có. Các làng nghề được quy hoạch và quản lý, đầu tư xây dựng theo quy hoạch; đảm bảo hạ tầng đồng bộ, hiện đại, và yêu cầu về kiến trúc cảnh quan của làng nghề. Từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề…
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, cụ thể hoá đề án trên, trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung phát triển làng nghề may thôn Thượng Hiệp (xã Tam Hiệp) kết hợp du lịch theo Nghị quyết số 12-NQ/HU của Huyện uỷ Phúc Thọ. Phát triển nghề cơ khí tại xã Liên Hiệp; nghề chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại các xã: Hát Môn, Thanh Đa, Liên Hiệp, Hiệp Thuận, Long Xuyên; nghề sản xuất bún, bánh, đậu phụ tại xã Sen Chiểu.
Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh các giải pháp để nhân cấy nghề tiểu thủ công nghiệp cho các làng thuần nông. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, sẽ phát triển được thêm một số làng nghề mới tại thôn Triệu Xuyên (xã Long Xuyên), thôn Phú An (xã Thanh Đa), thôn Kim Lũ (xã Thượng Cốc)…
Huyện Phúc Thọ cũng sẽ tăng cường phối hợp với các sở ngành của Hà Nội trong việc triển khai các chương trình xúc tiến thương mại; nghiên cứu cơ chế, chính sách mời gọi đầu tư, thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển làng nghề. Trong định hướng, huyện ưu tiên phát triển sản xuất các làng nghề ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường. Đồng thời, duy trì và phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện.