Nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí
Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân làm nền tảng để phát triển, nâng cao chất lượng các tiêu chí khác, thời gian qua xã Tả Thanh Oai đã duy trì các mô hình kinh tế, vùng trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản tập trung, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, kinh doanh dịch vụ. Nhờ đó, đến nay, xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 65,9 triệu đồng/năm. Đường làng, ngõ xóm thường xuyên được chỉnh trang, nâng cấp khang trang theo hướng phát triển đô thị. Các hộ dân cũng chủ động chỉnh trang nhà ở, cải tạo sân vườn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Tại xã Tam Hiệp, các tiêu chí phát triển kết cấu hạ tầng khang trang, hiện đại được đặc biệt quan tâm. Xã đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của huyện, thành phố và đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng. Tính đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao lồng ghép mục tiêu phát triển xã lên phường giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 645 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do người dân tự nguyện đóng góp là hơn 28 tỷ đồng. Diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp. Các tuyến đường được trồng hoa, có điện thắp sáng. Bên cạnh đó, xã quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tư vấn giới thiệu việc làm để người dân tham gia học nghề và có việc làm ổn định; khuyến khích người dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trong sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn xã Tam Hiệp có 4 hợp tác xã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đến nay, xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 68,7 triệu đồng/người/năm.
Phát huy tối đa đặc thù, lợi thế
Đánh giá hiệu quả của các mô hình HTX, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, hiện nay, huyện có 41 HTX nông nghiệp, chiếm khoảng 61,5% tổng số HTX trong toàn huyện. Các HTX đã mạnh dạn đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, các HTX cũng kịp thời thích ứng với nền kinh tế thị trường, từng bước liên doanh, liên kết với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể để tiêu thụ. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX nâng cao giá trị, ổn định đầu ra nên thành viên yên tâm đầu tư sản xuất.
Trên địa bàn có một số mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng rau an toàn ở các xã Duyên Hà, Yên Mỹ với diện tích 140ha; mô hình sản xuất rau thủy canh ở xã Yên Mỹ diện tích 2.600m²; mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Đại Áng với 1.200 con lợn thương phẩm và 150 con lợn nái; mô hình nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao "sông trong ao" tại xã Đại Áng với diện tích 16 ha; mô hình trồng cây ăn quả tập trung xã Vạn Phúc diện tích 148 ha... Bên cạnh đó, còn hình thành và duy trì được các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 68 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, huyện xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống người dân, ngay sau khi huyện Thanh Trì được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, đồng thời, toàn bộ các xã, thị trấn đã hoàn thành NTM nâng cao năm 2022 chặng đường xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã bước sang một giai đoạn mới – xây dựng NTM kiểu mẫu. Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu đã tạo nên phong trào thi đua mới, người có của góp của, có sức thì góp sức, có ý tưởng thì hiến kế..., từ đó làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, phát huy thế mạnh của xã, huyện. Năm 2022, 14 xã còn lại triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, tập trung vào các tiêu chí chưa đạt như: hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng phát triển kinh tế, môi trường, giáo dục đào tạo, các thiết chế văn hóa, cải cách hành chính, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự,…Để hỗ trợ các xã, huyện đã triển khai 8 đề án phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, phát triển văn hóa-xã hội..., đồng thời tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung về giao thông và kinh tế-xã hội, huyện đã bố trí hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông, hơn 2.300 tỷ đồng để thực hiện các dự án hạ tầng văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhờ đó, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 70 triệu đồng, tăng tám triệu đồng so với năm 2020. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 252 triệu đồng/ha. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 97%. Môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của hệ thống chính trị và người dân, ngày 18/4/2023, UBND thành phố đã có quyết định công nhận 14 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Như vậy, đến nay, Thanh Trì đã có 15/15 xã được công nhận chuẩn Nông thôn mới nâng cao, về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 huyện đề ra.
Nhằm phát huy kết quả trong xây dựng Nông thôn mới cũng như khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, huyện đã được UBND thành phố công nhận 2 điểm du lịch đầu tiên tại 2 xã: Yên Mỹ, Đại Áng. Đây là tiền đề quan trọng để Thanh Trì phấn đấu là điểm đến du lịch “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.