Đông Lỗ hài hòa bảo tồn và phát triển
Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, Đông Lỗ là một trong những xã của Ứng Hòa tiên phong trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và thực sự là miền quê đáng tự hào của người dân nơi đây.

Từ làng nghề làm đàn nổi tiếng...

Với bản chất cần cù khéo léo, sáng tạo, bên cạnh nghề trồng lúa nước, người Đông Lỗ còn phát triển nghề mộc ở Nhân Trai, Ngọc Trục, Viên Đình... Đặc biệt là làng Đào Xá là vùng quê vang danh với nghề làm đàn truyền thống.

Về xã Đông Lỗ, dưới ghế đá, những bóng cây cổ thụ tỏa bóng mát, soi mình bên những ao làng trong vắt, ta bắt gặp người già ngân nga câu ca đầy tự hào: “Đông Lỗ có nghề làm đàn/Có ngọc xá lợi tiếng vang khắp vùng/Có tiếng chuông thỉnh mênh mông/Dối vợ dối chồng kết ngãi ngàn năm”.

Dù thu nhập không cao, nhưng người dân Đông Lỗ vẫn gìn giữ nghề làm đàn truyền thống.

Cũng giống như nhiều làng nghề khác, Đào Xá cũng có những thăng trầm của thời cuộc nhưng qua đó có nhiều nghệ nhân luôn tâm huyết giữ nghề truyền thống. Nghề làm đàn ở Đào Xá đã có cách đây hơn 200 năm do cụ Đào Xuân Lan khởi xướng. Ngày ấy, cụ Lan hành hương sang xứ Bắc rồi mang nghề về làng. Ban đầu, cụ dạy cho người trong họ để mỗi lúc nông nhàn có thêm việc, dần dần nghề làm đàn trở thành nghề truyền thống của Đào Xá. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, làng nghề không phát triển vì gặp nhiều khó khăn. Sau chiến tranh, người làng nghề phải đi xa tới các tỉnh, thành phố, như: Nam Định, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh… để làm nghề. Phải tới đầu những năm 90, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của Nhà nước, nghề làm đàn ở Đào Xá dần chuyển mình.

Ông Đào Anh Tuấn - một trong những người làm đàn có tiếng ở Đông Lỗ chia sẻ, vào thời kỳ phát triển nhất, làng có hơn 50 gia đình làm nghề. Tiếng lành đồn xa, trong lịch sử đã có tốp thợ của làng được tuyển vào làm đàn ở Cung đình Huế. Làm đàn là một việc của nghề mộc, đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Mỗi cây đàn trung bình cần 2-3 ngày để hoàn thiện, có khi lâu hơn. Tuy nhiên, để làm ra được một cây đàn, người thợ phải trải qua nhiều năm học nghề khá vất vả nên không phải ai cũng có đủ kiên trì để theo nghề.

Ngày nay, số hộ làm đàn ở Đào Xá không còn nhiều. Nguyên nhân do ngày công làm đàn thấp hơn so với nhiều nghề khác. Ngoài ra, nghề làm đàn đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ và để trở thành thợ giỏi phải chịu học hỏi, đúc rút kinh nghiệm qua nhiều năm. Tuy vậy, vẫn còn một số người miệt mài gắn bó bằng niềm đam mê gửi gắm vào những sản phẩm mang tính nghệ thuật. Điển hình như gia đình nghệ nhân Đào Văn Soạn hiện có 4 người con thì cả con trai, con dâu, con rể đều làm nghề với nhiều sản phẩm: Đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tranh, đàn đáy...

...đến chung sức xây dựng quê hương

Không chỉ nỗ lực bảo tồn làng nghề truyền thống, người dân Đông Lỗ còn cùng nhau làm đẹp quê hương bằng những việc làm thiết thực. Đông Lỗ ngày nay đẹp hơn với những con đường nẻo ngõ được trải bê tông sạch sẽ. Đường trục các thôn được trồng cây xanh, dưới tán cây là những chiếc ghế đá tự tạo do người dân các xóm, ngõ đóng góp tiền xây dựng. Các thôn đều có sân chơi bóng đá cho thanh, thiếu niên; có nhà văn hóa là nơi hội họp chung của nhân dân. Đặc biệt là từng nhà đã có số, ngõ đã có tên...

Miền quê Đông Lỗ nông thôn mới ở huyện Ứng Hòa luôn thanh bình, sạch đẹp, không ngừng đổi mới.

Ông Nguyễn Văn Thọ ở thôn Viên Đình cho hay, đối với các hàng cây cổ thụ, ao hồ, mặt nước tại địa phương… người dân đều chung tay gìn giữ bằng cách chăm sóc, bảo tồn để trở thành không gian sống xanh, sạch cho làng quê. Không những vậy, người dân còn cùng đóng góp hàng chục triệu đồng để kè bờ ao, dựng lan can sắt, đổ bê tông lề đường, đặt ghế đá, xây bồn trồng thêm nhiều cây xanh, tạo cảnh quan sạch, đẹp và góp phần tạo nơi vui chơi, thư giãn cho cộng đồng. Tại tất cả thôn trong xã, người dân đều tự nguyện góp công sức, tiền bạc, đất đai để xây dựng, mở rộng trục giao thông thôn xóm, nội đồng với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Gia đình các ông: Đào Đức Chính, Tạ Duy Hòa, Phùng Hòa Bình… ủng hộ địa phương hàng chục, hàng trăm triệu đồng...

Theo Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ Dương Văn Sửu, trong những năm qua, nhân dân địa phương rất tích cực tham gia kiến thiết quê hương, chung sức xây dựng 60 ngõ xóm, trị giá 20 tỷ đồng… Nhờ đó, đến nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Đông Lỗ đang đổi mới từng ngày, bắt nhịp với sự phát triển chung của Thủ đô, trong đó, việc giữ gìn lịch sử quê hương, bồi đắp bề dày văn hóa của miền quê giàu truyền thống là việc làm liên tục của người dân nơi đây...

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4172
Tổng lượng truy cập: 22002747