Dù vậy, để đứng vững trong thị trường cạnh tranh, “ghi sao” trong lòng người tiêu dùng Thủ đô và cả nước, nâng chất lượng sản phẩm OCOP là yêu cầu tất yếu đặt ra.
Người tiêu dùng Thủ đô được mua sản phẩm OCOP đạt chất lượng tốt. Ảnh: Bích Phương
Đa dạng hóa sản phẩm gắn với quản chặt chất lượng
Tại huyện Gia Lâm, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh là đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm OCOP. Khác với nhiều đơn vị, DN này tập trung đầu tư, chế tạo ra dòng sản phẩm gốm sứ có chất lượng cao, định hướng xuất khẩu. Vừa qua, 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng và bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen đã được Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng 5 sao trong Chương trình OCOP. Đây cũng là bốn sản phẩm 5 sao duy nhất cho đến nay của TP Hà Nội.
Ngoài 4 sản phẩm OCOP 5 sao kể trên, Hà Nội hiện còn có 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tuy nhiên, con số những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất trong thang đánh giá, phân hạng OCOP cấp T.Ư vẫn còn rất khiêm tốn bởi Hà Nội đã có tổng số 1.649 sản phẩm OCOP được phân hạng từ 3 sao trở lên.
Trong năm 2021, có 595 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã được đánh giá, phân hạng và đủ điều kiện trình UBND TP Hà Nội quyết định công nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Tuy nhiên, không có sản phẩm nào đủ sức chen chân vào nhóm sản phẩm 5 sao. Các mặt hàng chủ yếu thuộc nhóm 4 sao (367/595 sản phẩm), còn lại 228 sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng dừng ở mức 3 sao.
Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, cùng với đa dạng hóa sản phẩm OCOP, việc quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP cũng là bài toán đặt ra. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP của các chủ thể thuộc 18 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô. Đoàn liên ngành với sự tham gia của đại diện nhiều sở, ngành của TP, đã làm việc công tâm, minh bạch, khách quan.
Quá trình kiểm tra, giám sát, các thành viên đoàn đã đưa ra nhiều đánh giá, khuyến cáo, hướng dẫn, góp ý để các chủ thể tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm OCOP. Chủ thể không bảo đảm các điều kiện sản xuất, kinh doanh an toàn đều bị tạm dừng hoạt động để tập trung khắc phục hạn chế.
Sát cánh cùng các chủ thể
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, thời gian qua, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhằm thích ứng linh hoạt với điều kiện dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể.
Gần đây nhất, vào tháng 3/2022, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội chợ nông sản an toàn, sản phẩm OCOP tại huyện Hoài Đức. Sự kiện quy tụ hơn 100 gian hàng của các chủ thể đến từ 20 tỉnh, TP trên cả nước, với hàng nghìn sản phẩm “trên rừng, dưới biển” được các địa phương phân hạng từ 3 sao trở lên.
Tổng Giám đốc Công ty CP Trà xạ đen MD Queens Trịnh Anh Thư cho biết, hội chợ đã tạo ra cơ hội giúp DN, cũng như các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường. Đặc biệt là đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại…
Để phục hồi chuỗi đứt gãy giao thương do dịch Covid-19 gây ra, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời phối hợp với các đơn vị xây dựng được thêm ít nhất 24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện đưa nông sản, thực phẩm, hàng hóa chất lượng từ 3 sao trở lên đến với người tiêu dùng Thủ đô. Phấn đấu để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ.