Quyết định công nhận 5 xã thuộc huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021 về các lĩnh vực vừa được UBND TP Hà Nội ban hành. Theo đó, xã Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về các lĩnh vực: Môi trường, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch; xã Liên Hà đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất.
Xã Liên Hà là một trong 5 địa phương thuộc huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Trong khi đó, xã Song Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa; xã Tân Hội đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa; còn lại xã Thọ Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế.
Cùng với 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu về các lĩnh vực thuộc huyện Đan Phượng, UBND TP Hà Nội cũng đã có quyết định công nhận 18 xã thuộc các huyện Đông Anh (4 xã), Gia Lâm (3 xã), Ứng Hòa (3 xã), Chương Mỹ (3 xã), Hoài Đức (2 xã), Thanh Trì (1 xã), Ba Vì (1 xã) và Quốc Oai (1 xã) đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021.
Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, 5 xã thuộc huyện Đan Phượng kể trên cũng là những địa phương đầu tiên của TP đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về các lĩnh vực. “Các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu được UBND TP Hà Nội tặng Bằng công nhận danh hiệu. UBND huyện Đan Phượng và UBND các xã trên có trách nhiệm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt theo quy định...” – ông Nguyễn Văn Chí cho hay.
Đại diện Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội thông tin thêm, trong năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hai huyện còn lại là Mỹ Đức và Ba Vì cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện NTM.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Thành uỷ - UBND TP Hà Nội đề nghị các cấp, ban ngành và địa phương, nhất là 2 huyện chưa về đích NTM cần quyết liệt trong chỉ đạo; tập trung, dành nguồn lực đầu tư để hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cũng như huyện NTM trong năm 2022.
Bên cạnh đó, các địa phương cần thay đổi mạnh mẽ về tư duy. Nhận thức toàn diện về phát triển nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới, trên cơ sở phát huy tối đa đặc thù, lợi thế của Thủ đô.
Rà soát lại chính sách về hỗ trợ xây dựng hạ tầng, nhất là tại các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, thủy sản và đầu tư cơ giới hóa trong phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống cho nông dân.